Mua hàng trả góp: Được ít, mất nhiều

author 16:53 25/07/2013

(VietQ.vn) - Trong thời buổi kinh tế khó khăn, hình thức trả góp đã khiến nhiều người “lóa mắt” khi được sở hữu các món hàng “ao ước” với số tiền chi trả ban đầu khá “bèo”. Thực tế đang chứng minh điều trái ngược.

Đua nhau chào mời “trả góp”

Trong cuộc đua bán hàng “trả góp” có sự góp mặt của cả các ông lớn Ngân hàng, các hệ thống bán lẻ, siêu thị lớn cho đến các đại lí, cửa hàng nhỏ lẻ. Đối tượng chính mà hình thức mua bán hấp dẫn này nhắm đến là giới sinh viên, công nhân viên chức có thu nhập thấp với nhiều món hàng được ưa thích như laptop, điện thoại di động, máy tính bảng, xe máy, ôtô, đồ điện tử gia dụng….

Đọc những lời quảng cáo như sau “Dịch vụ “Mua hàng trả góp” áp dụng cho mọi khách hàng với thủ tục thuận tiện, đơn giản, nhận sản phẩm ngay, không cần chứng minh tài chính, không cần thế chấp tài sản. Lãi suất ưu đãi, chi phí trả trước chỉ từ 20% giá trị sản phẩm….” không ít khách hàng bị “choáng ngợp”.

Người tiêu dùng thận trọng đối với các dịch vụ mua trả góp nhất là đối với các mặt hàng có giá trị cao
Người tiêu dùng thận trọng đối với các dịch vụ mua trả góp nhất là đối với các mặt hàng có giá trị cao

Từ chiếc điện thoại di động hiện đại nhất, máy tính bảng mới “ra lò” cho đến cái xe ôtô trị giá đến vài trăm triệu đồng đều có thể được sở hữu “ngay và luôn” khi chỉ cần bỏ ra số tiền khoảng 20% - 30% giá trị món hàng. Thời gian chi trả có thể kéo dài từ 9 tháng, 12 tháng đến 3 năm.

 Thủ tục cho vay cũng khá đơn giản chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh thư, chứng minh tài sản, thu nhập hàng tháng. Hiện trên thị trường có 2 phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Nếu tính theo dư nợ ban đầu thì lãi suất sẽ rất thấp chỉ khoảng 9% - 11%/năm, nhưng nếu tính theo dư nợ giảm dần thì lãi suất rơi vào khoảng 2% - 4%/tháng.

Thực tế, đa phần khách hàng mua hàng trả góp thường chỉ quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu là bao nhiêu vì tâm lí muốn nhanh chóng sở hữu món hàng ao ước. Tin tưởng vào lời tư vấn của người bán hàng, người mua “choáng ngợp” bởi suy nghĩ chỉ phải bỏ ra vài triệu đã có chú “dế” mười mấy triệu, hay vài chục triệu chỉ mua được chiếc xe tay ga nay đã sắm được “xế hộp”.

Còn số tiền nợ, họ sẽ chấp nhận “bấm bụng” tích góp để trả dần. Người tiêu dùng cũng quan tấm đến số tiền phải trả góp hàng tháng là bao nhiêu tính theo lãi suất hiện tại nhưg lại quên mất rằng cứ khoảng 3 tháng/lần, ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất (thông thường là tăng lên). Hoặc nếu vay theo hình thức lãi suất cố tính tính theo dư nợ trả dần thì mức lãi suất càng về sau càng cao.

Người tiêu dùng “ngậm đắng” vì lãi suất “nhảy vọt"

Anh Quang Minh, nhân viên văn phòng cho biết, tình cờ truy cập vào một diễn đàn công nghệ, anh biết được chương trình “mua ôtô” trả góp của một đại lí chuyên bán xe Chevrolet, Toyota, Honda… Theo đó, khách hàng chỉ phải trả trước 10%– 20% là có thể sở hữu một chiếc xe tùy chọn, khoản tiền còn lại sẽ phải trả góp theo từng tháng.

Theo tư vấn của nhân viên bán hàng trả góp, đại lí trên sẽ liên hệ trực tiếp với ngân hàng để làm các thủ tục, hợp đồng giúp khách hàng. Linh hoạt hơn đối với khách hàng không có tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ chấp nhận tài sản thế chấp là chính chiếc xe đang mua trả góp.

Mơ ước “lên đời bốn bánh” đã từ lâu, anh Minh không ngần ngại bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để “vi vu” chiếc xe trị giá hơn 580 triệu đồng. Số tiền còn lại sẽ được trả góp mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi chỉ 9%/năm. Tuy nhiên, niềm vui “xế hộp” của gia đình anh không kéo dài được bao lâu vì phải nơm nớp với nỗi lo trả nợ.

Mức lãi suất khá thấp nhưng hàng tháng anh vừa phải trả một phần tiền gốc cộng với lãi suất luôn tính trên số tiền vay 520 triệu ban đầu. Sau một năm “bấm bụng” trả nợ, số tiền nợ chỉ còn khoảng 400 triệu nhưng các kỳ về sau lãi suất thực tế tính trên dư nợ sẽ cao, có khi lên đến 15% - 18%/năm. Trong khi đó, chỉ sau 1- 2 năm, số tiền bán chiếc xe đã “hao” mất 2/3 giá trị.

Nhiều khách hàng, sau một thời gian “thấm đòn” lãi suất, bắt đầu bức xúc về số tiền quá cao phải bỏ ra mua hàng trong khi nơm nớp tâm lý mang nợ, đã cố gắng gom tiền đến trả một lần cho dứt. Thế nhưng, khi đó, họ sẽ càng sững sờ hơn khi nhân viên tài chính tính ra cho họ thấy rằng, một khi đã trót ký hợp đồng vay, giờ có trả trước hạn thì họ vẫn mua hàng đắt như thường do các khoản phí phạt.  

Lợi dụng nguyên tắc lãi suất cho vay căn cứ trên thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, không bị khống chế mức trần, các công ty tài chính đã đưa ra mức lãi suất ngất ngưởng, đúng vào lúc người tiêu dùng cần tiền nhất. Đằng sau sự linh hoạt của phương thức thanh toán, những món tiền trả góp tưởng là sự sẻ chia áp lực tài chính nhiều khi lại trở thành một gánh nặng tài chính không hề nhỏ.

Khánh Ngọc

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang