Mua 'lốt' xe mất 600 triệu chỉ là chuyện 'nội bộ' của các doanh nghiệp

author 06:39 21/10/2015

(VietQ.vn) - Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, vụ một "lốt" - (slot - lượt xuất bến) xe mất 600 triệu đồng chỉ là việc giữa các doanh nghiệp, nhà xe hay các hợp tác xã vận tải với nhau, không phải tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước.

Ngày 20/10, Phòng Quản lý Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đã có báo cáo đánh giá về công tác quản lý trong vận tải khách cố định trên địa bàn, trong đó có công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định tại bến xe Mỹ Đình liên quan đến phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Đinh La Thăng mới đây về "mua một "lốt" trong Bến xe Mỹ Đình mất 500-600 triệu đồng".

Thời gian đầu, từ năm 2004 đến năm 2006, khu vực này chưa phát triển, đường vành đai 3 chưa hoàn thành nên nhu cầu đi lại cũng như điều kiện giao lưu khu vực chưa thuận tiện, bến xe có rất ít chuyến lượt (553 lượt/ngày).

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, bến xe ngày một quá tải. Vì vậy, từ tháng 7/2013 đến nay, Bến xe Mỹ Đình giữ ổn định tần suất phương tiện hoạt động với 1.642 lượt xe/ngày. Sở Giao thông không chấp thuận, thỏa thuận tăng tần suất tại bến xe này đối với bất kỳ đơn vị kinh doanh vận tải nào.

vụ một

Mua một "lốt" - (slot - lượt xuất bến) xe mất 600 triệu đồng chỉ là việc giữa các doanh nghiệp, không liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước. Ảnh minh họa

Theo Sở GTVT Hà Nội, bến xe Mỹ Đình hoạt động từ năm 2004, trên cơ sở toàn bộ phương tiện và luồng tuyến từ bến xe Kim Mã chuyển ra.

Về việc có một số ý kiến cho rằng có hiện tượng mua bán “lốt” tại bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT cho rằng tại một số đơn vị vận tải (chủ yếu là công ty cổ phần, hợp tác xã) đóng góp cổ phần, chuyển nhượng, thay thế phương tiện giữa các cổ đông, các xã viên... dễ gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội về tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải.

Thực tế, một đơn vị vận tải thường có nhiều cổ đông, mỗi cổ đông là một nhà xe. Vì vậy, một đơn vị sẽ có nhiều thương hiệu nhà xe khác nhau.

"Việc trong nội bộ đơn vị chuyển nhượng, thay thế xe giữa các cổ đông, xã viên với nhau là việc nội bộ của đơn vị. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và chỉ quản lý theo phương án kinh doanh mà đơn vị vận tải đó đăng ký theo mẫu được quy định tại các Thông tư của Bộ GTVT" - Sở GTVT Hà Nội cho biết.

"Không có thêm nốt mới từ mấy năm nay thì lấy đâu ra tiền tiêu cực, lấy đâu ra chuyện chạy suất, chạy nốt? Còn việc giữa các đơn vị vận tải họ mua đi bán lại như thế nào thì không thể kiểm soát được", ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội nói.

Bến xe Mỹ Đình

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đã kiểm tra sau phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giao Thông vận tải Đinh La Thăng về "mua một "lốt" trong Bến xe Mỹ Đình mất 500-600 triệu đồng"

Ngoài ra, có một số đơn vị vận tải nhỏ lẻ không đảm bảo số lượng phương tiện theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP có xu hướng hợp nhất với nhau cũng sinh ra việc chuyển nhượng mua bán nội bộ (không tăng "lốt" xe).

Trước đó, trong cuộc họp làm việc với các đơn vị liên quan về giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã bày tỏ sự gay gắt với các đơn vị liên quan, trong đó có Vụ Vận Tải vì chậm trễ sửa Thông tư 63/2014/TT-BGTVT Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, để thực hiện kết luận của Bộ trưởng về việc bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng ô tô.

Tại cuộc họp này, ông Thăng đã dẫn trường hợp có người nói xin một "lốt" xe vào Bến xe Mỹ Đình mất 500 - 600 triệu đồng khi đề cập việc doanh nghiệp vận tải phải khổ sở chịu nhiều chi phí rồi nên cần bỏ cơ chế xin cho (chấp thuận tuyến) để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. “Có người nói với tôi, xin một "lốt" xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng” - Bộ trưởng Thăng nói.

Ngay sau đó, ngày 16.10, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về việc xin một lốt xe vào bến xe Mỹ Đình mất đến 500- 600 triệu đồng để Sở kiểm tra, xác minh báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Hồng Anh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang