Mưa lũ lớn tại miền Trung gây thiệt hại nặng: Triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó

author 13:41 09/10/2020

(VietQ.vn) - Từ ngày 6/10/2020 đến nay, tại các khu vực miền Trung liên tiếp có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, tại một số nơi, tổng lượng mưa từ 700- 900mm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện các địa phương đang triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, mưa lớn gây ngập lụt tại miền Trung khiến 37 xã đang bị ngập sâu, chia cắt cục bộ, 11 người chết và mất tích, thiệt hại nhiều tài sản.

Mưa lớn gây ngập lụt tại Tân Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình. Ảnh: PCTT

 

Cụ thể, mưa lớn gây ngập lụt sâu trên diện rộng và nhiều hình thái thiên tai, khiến 4 người bị thiệt mạng. Trong đó, Đắk Lắk: 1 người, Gia Lai: 1 người, Quảng Trị: 1 người, Quảng Ngãi: 1 người. Mưa lũ cũng khiến 7 người bị mất tích. Trong đó, Quảng Trị: 5 người, Thừa Thiên Huế: 1 người, Gia Lai 1 người.

Do mưa lớn gây lũ lụt, nhiều sự cố tàu thuyền đã xảy ra. Tại Quảng Trị, vào 6 giờ 30 ngày 8/10, tàu Vietship TK12 bị chìm gần khu vực Cửa Việt, Quảng Trị, trên tàu có 5 người, hiện nay 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu vớt an toàn, còn 2 người hiện đang trôi dạt trên biển.

Trước đó, tại Thừa Thiên Huế, vào 13 giờ ngày 7/10, tàu Công Thành 27 bị chìm do sóng lớn, tất cả 11 thành viên đã được cứu vớt an toàn.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 3.250 hộ với 10.994 người (Quảng Trị: 2.796 hộ với 10.141 người, Thừa Thiên Huế: 271 hộ với 780 người, Đà Nẵng: 23 hộ với 73 người, Quảng Nam: 59 hộ) tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, các bộ, ban, ngành tập trung theo dõi chặt chẽ và kịp thời ứng phó với mưa lũ lớn.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng thấp trũng, ven sông suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn.

Giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập. Hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất.

Hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã cử 2 đoàn công tác tiếp tục kiểm tra đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi.

Các địa phương đã khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; ban hành các công điện, văn bản, cử các đoàn công tác xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ có thể kéo dài đến ngày 14/10/2020.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang