Mưa lũ nghiêm trọng, thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở: Khẩn trương cứu nạn cứu hộ, bảo đảm an toàn hồ đập

author 07:07 14/10/2020

(VietQ.vn) - Tình hình mưa lũ ở miền Trung rất nghiêm trọng. Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở đã khiến 30 người chết và mất tích. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; đồng thời khẩn cấp sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại ứng phó với bão số 7 đang đổ bộ vào miền Trung.

Khẩn trương tìm kiếm cứu nạn cứu hộ

Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008, có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Do mưa lũ lớn, Thủy điện Rào Trăng bị sạt lở, hiện tại, đã có 30 người bị chết và mất tích.

Phương tiện, lực lượng lên đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế) 

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trưa ngày 12/10, một lãnh đạo tỉnh nhận được điện thoại của người dân báo tin việc Thủy điện Rào Trăng 3 bị sự cố sạt lở, có ảnh hưởng đến người cần tỉnh giúp đỡ. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 đã ngay lập tức cử lực lượng đến hiện trường để kiểm tra, cứu hộ.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã duy trì 8.574 người, 88 ô tô các loại và 172 tàu, xuồng phối hợp với lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung. Đồng thời sẵn sàng lực lượng ứng phó với bão số 7 và khắc phục hậu quả sau bão.

Sáng 13/10, nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân khu 4, nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 đã tham gia cứu nạn cứu hộ. Lữ đoàn Công binh 414 là đơn vị chủ công của Quân khu 4 trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Tham gia đợt cứu hộ, cứu nạn sự cố thủy điện Rào Trăng 3 lần này, Lữ đoàn đã đưa lực lượng cùng những phương tiện, trang bị, khí tài hiện đại nhất có thể cứu hộ, cứu nạn trong nhiều tình huống phức tạp, điều kiện khắc nghiệt như thiên tai, thảm họa, tai nạn...

Chiều 13/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có mặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế để kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế cũng đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội Đảng bộ để tập trung ứng phó thiên tai.

Bão số 7 đổ bộ vào miền Trung- Khẩn cấp sơ tán dân, giảm thiểu thiệt hại

Tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 7 sáng 13/10 do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp suy yếu từ cơn bão số 6 và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 7 đổ bộ vào miền Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng, tính đến 16h ngày 12/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.000 phương tiện với gần 230.000 lao động biết đường đi của bão số 7 và vùng nguy hiểm để phòng tránh.

Đối với hoạt động tàu thuyền trên vịnh Bắc Bộ, Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Nghệ An kêu gọi phương tiện khẩn trương di chuyển vào bờ trong chiều tối 13/10.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 22 giờ đêm 12/10, 6 tỉnh miền Trung đã tổ chức sơ tán 21.785 hộ với 66.569 người để bảo vệ tính mạng người dân trước ảnh hưởng của bão số 7 có thể mưa lớn gây ngập lụt kèm nhiều hình thái thiên tai cực đoan.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tình hình lũ trên một số hệ thống sông tại Trung Bộ vẫn nghiêm trọng. Hiện nay lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã đạt đỉnh 7,17m và đang xuống chậm, tuy nhiên lũ vẫn trên báo động 3.

BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị địa phương tổ chức thu hoạch những diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” hoặc có phương án bảo vệ đối với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch.

BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai đã hướng dẫn người dân tổ chức chằng chống, hạn chế thất thoát, những nơi có điều kiện di chuyển vào vùng an toàn; không để người trên lồng bè, chòi canh, trên bãi triều.

Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng đã triển khai các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trước khi bão số 7 đổ bộ.

Ông Vũ Xuân Thành- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, ngày 14/10, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Tình hình ngập lụt các tỉnh vẫn còn trên diện rộng. Hiện nay toàn bộ miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm.

Ông Thành cũng lưu ý các địa phương đảm bảo an toàn tàu thuyền, đặc biệt là lưu ý 86 tàu thuyền đang trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời rà soát, kiểm tra các hồ chứa, hồ thủy điện trước khi bão số 7 đổ bộ và có kế hoạch điều tiết khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như cho vùng hạ du.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang