Mua thuốc dân gian chữa bệnh ung thư: Lợi bất cập hại!

author 08:29 28/02/2019

(VietQ.vn) - Vì muốn chữa bệnh ung thư, nhiều bệnh nhân đã tìm mua những bài thuốc dân gian, tuy nhiên, phương pháp điều trị khó lòng đạt hiệu quả như mong đợi, thay vào đó là lợi bất cập hại.

Bỏ lỡ “giai đoạn vàng” điều trị bệnh vì tin vào thuốc dân gian

Có những bệnh nhân khi biết kết quả chẩn đoán mình mắc bệnh ung thư tâm lý thường suy sụp và sau đó, các bệnh nhân sẵn sàng dùng đến phương pháp điều trị truyền miệng, dân gian với tâm niệm: Có bệnh thì vái tứ phương, bất chấp các bài thuốc, phương pháp điều trị có hiệu quả thực tế hay không.

Lạm dụng các bài thuốc dân gian chữa bệnh, nhiều bệnh nhân đã phải lĩnh hậu quả khôn lường.

Bên cạnh đó, nhiều người lo lắng rằng các phương pháp y học tây y, từ thuốc men đến xạ trị đều rất tốt kém. Vì thế, không ít người lựa chọn phương pháp điều trị đông y, cho dù đây là phương pháp chưa hề được kiểm chứng, miễn sao có thể chữa bệnh mà chi phí rẻ hơn thuốc tây ở các bệnh viện.

Tuy nhiên, thực trạng kể trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đầu tiên kể từ sau khi phát hiện ung thư. Trong khi các bác sỹ khẳng định giai đoạn đầu tiên sau khi phát hiện bệnh là khoảng thời gian “vàng” đối với các bệnh nhân ung thư. Chị Phạm Thị Thuần (trú tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) là một trường hợp điển hình.

Cách đây một năm, khi đi khám các bác sĩ thông báo chị Thuần bị ung thư vú. Thời gian đầu mới phát hiện bệnh, chị điều trị tại bệnh viện theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Tuy nhiên, sau một thời gian, chị nghe nhiều người mách các bài thuốc trị ung thư nên nhờ người mua về dùng. Từ đắp các loại lá đu đủ, bồ công anh... tới uống đủ loại thuốc được chế biến không rõ nguồn gốc. Hậu quả là chị phải chịu đựng những cơn đau chưa từng có khi một bên ngực bị sưng phồng, lở loét.

Tương tự, vào tháng 11/2018 vừa qua, một bệnh nhân nữ tên T.T.H. (53 tuổi, quê Bình Định) phải nhập Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng một bên vú sưng to, chảy dịch và có mùi hôi thối. Bệnh nhân cho biết, cách đây 5 tháng, bà được bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chẩn đoán bị ung thư vú và yêu cầu phẫu thuật.

Tuy nhiên, vì nghe người ở quê khuyên, nếu động dao kéo sẽ ngày càng lan ra nên bà H. sợ bỏ về. Thấy người cùng quê nói bốc thuốc nam ở tỉnh Kiên Giang uống điều trị ung thư sẽ có tiến triển tốt nên vợ chồng bà cũng tìm đến thử vận may. Tuy nhiên sau 1 tháng chữa bệnh bằng những gói thuốc nam dạng bột kèm chế độ ăn uống kiêng cữ đủ kiểu, bệnh nhân trở nên càng mệt mỏi, người sụt 10kg. Ngừng thuốc thì một bên vú sưng to, chảy mủ ra ngoài, đau nhức gây khó thở.

Theo Đại úy, bác sĩ Phạm Thành Luân, Trung tâm Chẩn đoán và điều trị Ung bướu (Bệnh viện Quân y 175), có nhiều trường hợp giống như bà H. Vì sợ phải phẫu thuật, có người nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh, cũng có người theo trường phái tâm linh mà không dùng đến thuốc…, tất cả đều dẫn đến sai lầm.

Tuyệt đối tránh điều trị ung thư bằng… truyền miệng

Hiện nay, số bệnh nhân bỏ qua thời gian vàng để điều trị và chạy theo những thông tin không chính thống, thiếu khoa học không phải ít. Thậm chí, nhiều trường hợp đang bị bệnh điều trị ở bệnh viện còn bỏ viện về nhà điều trị theo các bài thuốc truyền miệng, theo các thầy lang không được cấp chứng chỉ hành nghề...

Thực tế, điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể điều trị hiệu quả. Người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và cơ sở y tế khám chữa bệnh.

Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cần sự tư vấn của bác sĩ chẩn đoán, điều trị để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị vì lựa chọn các phương pháp không rõ nguồn gốc, chưa có cơ sở khoa học.

Bác sĩ Hồ Ngọc Sơn, Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Vùng Tây Nguyên chia sẻ với báo điện tử VTV, do tâm lý muốn nhanh chóng được khỏi bệnh, bất kể tốn kém bao nhiêu tiền của, rất nhiều bệnh nhân chỉ cần nghe nói có bài thuốc chữa khỏi bệnh ung thư là lập tức mua về sử dụng. Chính cách làm mù quáng, những phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học đó đã vô tình khiến bệnh tình của họ ngày một nặng thêm.

Liên quan đến vấn đề trên, Bác sĩ Hồ Ngọc Sơn khuyến cáo: Người dân cần tiếp thu thông tin một cách có chọn lọc và có cơ sở khoa để để tránh hậu quả đáng tiếc. Với người bệnh ung thư, cần tới bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đưa ra phương pháp chữa trị như sử dụng các biện pháp xạ trị, hóa trị giúp ngăn cản tiến triển của ung thư, cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống của người mắc ung thư.

Hơn 20.000 người Việt Nam tử vong mỗi năm vì ung thư phổi(VietQ.vn) - Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 người tử vong do ung thư phổi.

 Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang