Mùa vải thiều chín đỏ: 'Giải cứu' bằng biện pháp tăng cường kết nối

authorHồng Anh 06:01 28/05/2015

(VietQ.vn) - Mùa vải năm nay lại hứa hẹn bội thu khi những cành vải nặng trĩu chùm quả mọng đang ngả màu hồng, màu đỏ. Một loạt chính sách của địa phương và Trung ương đang được vận hành để "giải cứu" quả vải, tránh "được mùa, mất giá".

Trả lời câu hỏi của báo giới trong họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (27/5), về kế hoạch của Bộ Công Thương đối với vụ vải thiều năm 2015 như thế nào để không còn ùn ứ như tiêu thụ dưa hấu hay thanh long trong thời gian gần đây, người phát ngôn Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là một trong những mặt hàng nông sản mà vừa qua phương tiện thông tin đại chúng cũng như các doanh nghiệp, người dân hết sức quan tâm, thậm chí là bức xúc.

"Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đã đề cập rằng có tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá lại mất mùa”. Tại sao như vậy thì đó là thực tế thị trường, hết sức tự nhiên. Ví dụ khi được mùa thì rõ ràng sản lượng tăng lên, cung và cầu có sự thay đổi thì đương nhiên có việc giảm giá. Ở đây, quan trọng là phải xác định người nông dân, những người trồng trọt không có bất cứ lỗi nào cả vì người ta luôn có quyền trồng gì trên mảnh đất của họ. Người dân cũng mong muốn luôn mang lại lợi ích cao nhất từ việc trồng trọt, từ việc phát triển trên mảnh ruộng của mình", ông Hải nhận định.

Theo ông Hải, các cơ quan Nhà nước đã làm rất nhiều. Ngay từ đầu, Bộ NN&PTNT cần có quy hoạch tổng thể. Muốn có quy hoạch thì chúng ta phải có những cánh đồng mẫu lớn, phải tập trung được đất để có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao để tạo ra giá thành mang tính chất cạnh tranh. Khi đó mới có thể xuất khẩu cạnh tranh với những nước xung quanh chứ chưa nói đến những thị trường xa xôi như châu Mỹ, châu Mỹ La tinh với những sản phẩm chất lượng rất tốt nhưng giá cả hết sức cạnh tranh.

Tăng cường các biện pháp tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu

Bộ, ngành và địa phương đã chuẩn bị phương án tăng cường các biện pháp tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu. Ảnh minh họa

Ông Hải cho biết, mặt hàng vải thiều năm ngoái là một điển hình khi vừa được mùa, vừa được giá nhờ rất nhiều biện pháp chúng ta đã làm. Một mặt chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, không tập trung vào thị trường Trung Quốc.

"Nếu như mọi năm trước năm 2014, thường chúng ta xuất khẩu khoảng 60-70% sang thị trường Trung Quốc nhưng năm 2014 chúng ta chỉ xuất khoảng 40-45% còn chúng ta tập trung vào những thị trường khác. Đặc biệt chúng ta đã mở rộng ngay tại thị trường Việt Nam và đưa vào nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, nơi người dân chưa có điều kiện thưởng thức vải thiều, với giá hết sức hợp lý", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, ngay từ năm 2015, Bộ Công Thương đã có chương trình, làm được những việc trực tiếp và đã bàn bạc với các tỉnh có liên quan đến mặt hàng vải thiều như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương.

Một mặt, tổ chức hội nghị kết nối; hiện nay chúng tôi đã làm và khoảng 1 tuần nữa, sẽ tiếp tục kết nối giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cho tất cả các đơn vị và các DN lớn có nhu cầu. Vụ vải thiều thời gian rất ngắn nên cần phải rất nhanh chóng đưa vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Còn ở nước ngoài, chúng tôi đã có hẳn chương trình do tổ chức xúc tiến nhập khẩu của Chính phủ Hà Lan tài trợ nhằm đưa vải thiều vào các  nước EU, đặc biệt là Hà Lan, Đức…

Còn theo một nguồn tin khác của Bộ Công Thương, mùa vụ năm 2014, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó thị trường phía Nam 60.000 tấn, chiếm gần 43,5% lượng tiêu thụ nội địa. Nhờ mở kênh tiêu thụ trong nước, nhất là đưa vào khu vực phía Nam, công tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 đã diễn ra thuận lợi và thành công.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Về thời gian thu hoạch vải thiều niên vụ năm nay dự kiến như sau: thu hoạch vải sớm dự kiến từ ngày 15/5 đến 05/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 01/6 đến 20/7/2015.

 Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi như trên, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40% ,tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh). Trong đó:

Đối với thị trường nội địa: Thị trường tiêu thụ vải tươi được tiêu thụ rộng khắp toàn quốc, trong đó, tập trung nhiều tại các địa phương khu vực phía Bắc và các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… và các tỉnh phía Nam. Thị trường phía Nam được đánh giá tiếp tục sẽ là khu vực thị trường tiêu thụ nội địa quan trọng, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu: Lượng vải thiều sẽ chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường gồm: Thị trường xuất khẩu truyền thống gồm Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, gần đây có tín hiệu tốt từ các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

Theo Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang, đơn vị này đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang và địa phương tư vấn, hỗ trợ các tổ chức và nhân dân sản xuất, thu hoạch theo quy trình an toàn sinh học; khuyến khích, mở rộng canh tác theo tiêu chuẩn VIETGAP; Global Gap áp dụng khoa học tiến tiến vào quá trình sản xuất, bảo quản vải thiều. Đồng thời cơ quan chức năng trong tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư kỹ thuật nông nghiệp và hóa chất bảo quản vải thiều bảo đảm đạt chất lượng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, giám sát nắm tình hình sinh trưởng và sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang