Mua vàng ngày vía Thần Tài: Làm gì để tránh mua phải 'vàng non, vàng 10K' kém chất lượng?

author 10:32 20/02/2021

(VietQ.vn) - Khi mua vàng ngày vía Thần Tài, ngươi tiêu dùng nên cẩn trọng tránh mua phải 'vàng non, vàng 10K' kém chất lượng.

Thị trường vàng ngày vía Thần Tài đang vô cùng sôi động. Trong đó, nhiều người do không có đủ tài chính để mua vàng tại những cửa hàng lớn có uy tín, thường tìm đến thứ vàng gọi là "vàng non", "vàng 10K", với mục đích chỉ để lấy may do giá rẻ hơn.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, các sản phẩm dưới tên vàng 10K, vàng non có giá dao động từ 300.000đ đến 1.500.000đ tùy loại. Nhiều loại trang sức được quảng cáo làm từ những loại vàng non cũng rất đa dạng với nhiều mẫu mã từ hiện đại đến truyền thống.

 

Ngày vía Thần Tài, nhiều sản phẩm được quảng cáo là vàng 10K, vàng non thu hút khách hàng mua qua mạng. 

 

Tuy nhiên, đề cập đến chất lượng vàng 10K, vàng non, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt Nam cho hay, hiện không có loại vàng nào là vàng non hay vàng già, vàng trung tuổi. Theo GS Thị, người ta không phân loại vàng theo tuổi, đó chỉ là cách gọi truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm. Vàng có tỉ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K.

"Các loại trang sức với tên gọi vàng non tuổi, vàng 10K... đều không được gọi là vàng, người tiêu dùng không nên mua vì nó không có giá trị. Chỉ mua vào chứ không bán ra được, do đó đừng bỏ tiền thật để mua hàng rởm", GS. Thị nói.

Để chắc chắn, sau khi mua vàng, khách hàng có thể đem đi giám định tuổi vàng. Đối với vàng trắng, vàng tây, độ dung sai cho phép là 2%, tức là tuổi vàng 18k, khi giám định được 73-74% vàng là có thể chấp nhận được, con số này ở vàng ta thì sai số chỉ là 1-2%, tức là vàng ba, bốn số 9, khi giám định phải đạt 99,8% mới chấp nhận được, chuyên gia khuyến cáo.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể tìm hiểu thêm về các tiêu chuẩn trong lĩnh vực vàng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Hiện nay riêng trong lĩnh vực vàng trang sức, có 16 tiêu chuẩn quốc gia TCVN được Bộ KH&CN công bố. 16 TCVN bao gồm các tiêu chuẩn quy định về nhãn mác, tiêu chuẩn xác định hàm lượng vàng, tiêu chuẩn quy định về lấy mẫu, tiêu chuẩn về phương pháp đo, tiêu chuẩn quy định phương pháp trọng lượng, thể tích...

Thông tư 22/2013/TT-BKHCN cũng quy định rất rõ tiêu chuẩn công bố áp dụng cho sản phẩm. Trường hợp, sản phẩm có đặc tính kỹ thuật, mã ký hiệu, tên khác nhau thì phải công bố tiêu chuẩn áp dụng khác nhau.

Tiêu chuẩn công bố gồm: Thông tin về sản phẩm và nhà phân phối: Tên (nhẫn), mã ký hiệu (DOJI), tên địa chỉ nhà sản xuất hoặc phân phối; Yêu cầu kỹ thuật: Khối lượng vàng, hàm lượng vàng, mô tả đặc điểm riêng như nhồi, không nhồi, đúc, rỗng… Ghi ký hiệu: G.P = Vàng bọc, phủ; GF = Vàng nhồi…

Các sản phẩm vàng trang sức trên thị trường phải đảm bảo các quy định về chất lượng vàng, cách ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành.

Thu Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang