Mức án nào cho lái xe Camry đâm 3 người chết thảm?

author 08:59 02/03/2016

(VietQ.vn) - Theo LS Trịnh Cẩm Bình: Người gây tai nạn ở Long Biên, khiến 3 người chết có thể bị phạt tù 7 – 15 năm và chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại.

Hình phạt cho lái xe Camry: 7 – 15 năm tù

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Long Biên, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Quang Vinh (SN 1977) – người lái xe Camry gây ra tai nạn kinh hoàng cướp đi 3 sinh mạng. 

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) này, những vấn đề về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường dân sự là vấn đề đặt ra cần xem xét.  

Sau khi xem xét đoạn video camera do người dân cung cấp tại hiện trường, trao đổi với VietQ, bà Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Hành vi vi phạm luật giao thông của ông Vinh đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 03 người thiệt mạng. 

Lỗi vi phạm giao thông của ông Vinh khá rõ, đi sai phần đường và vượt quá tốc độ theo quy định, không có giấy phép lái xe. Hậu quả của hành vi vi phạm giao thông là quá đau thương, cướp đi tính mạng của 03 người trong đó có một trẻ em. 

Bà Bình chỉ rõ: Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2009, được sửa đổi bổ sung năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ làm chết 03 người trở lên bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3, Điều 202 Bộ luật hình sự với tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

trinh_cam_binh_luat_su_xe_camry_dam_chet_nguoiBà Trịnh Cẩm Bình - Giám đốc Công ty Luật Biển Đông.

Ngoài trách nhiệm hình sự đối với ông Vinh, chủ sở hữu chiếc xe Camry cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp chủ sở hữu xe giao chiếc xe Camry cho ông Vinh để ông Vinh lưu thông trên đường khi ông Vinh không có giấy phép lái xe. 

Trường hợp này, chủ sở hữu xe phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 3, Điều 205 Bộ luật hình sự, khung hình phạt từ 05 năm đến 12 năm.   

Trong trường hợp nào chủ sở hữu xe phải liên đới chịu trách nhiệm?

Cũng theo Luật sư Bình, liên quan đến trách nhiệm bồi thường dân sự, trường hợp này được xác định là Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và thuộc trường hợp "Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra". 

Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, và phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi; trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. 

Trường hợp chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường do lỗi của mình gây ra. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.

 Camera cho thấy cô gái tên Phương Anh bước ra từ ghế sau. 

Theo thông tin trên báo về lời khai của ông Vinh tại cơ quan công an, chủ sở hữu chiếc xe Camry đã giao xe cho ông Vinh để ông Vinh rửa xe. Trong quá trình rửa xe, ông Vinh thấy có đèn nháy đỏ báo hiệu xe có trục trặc nên đã tự ý mang xe đi kiểm tra tại gara ô tô khác. Trên đường đi đã gây ra tai nạn. 

“Trường hợp lời khai của ông Vinh là đúng sự thật, ông Vinh sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Trường hợp này, chiếc xe ô tô (được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ) đã bị ông Vinh sử dụng trái pháp luật nên ông Vinh phải chịu trách nhiệm bồi thường. 

Chủ sở hữu xe chỉ giao xe để gara ô tô của ông Vinh rửa xe, ông Vinh không được sử dụng lưu thông trên đường. Trường hợp chủ sở hữu xe giao xe cho ông Vinh rửa nhưng vẫn để chìa khóa xe lại, tạo điều kiện ông Vinh sử dụng xe trái pháp luật nên chủ sở hữu xe phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị hại” – LS Bình phân tích.  

Thêm vào đó, trường hợp chủ sở hữu chiếc xe Camry đồng ý giao xe để ông Vinh lái đến gara khác sửa xe khi ông Vinh không có bằng lái xe, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, chủ sở hữu xe phải liên đới cùng ông Vinh bồi thường thiệt hại cho người bị hại.  

Theo ghi nhận từ hình ảnh đoạn camera ghi lại được, sau khi gây tai nạn, hai người (một nam, một nữ) bước từ trong xe Camry ra và rời khỏi hiện trường. Có thông tin cho rằng: Người lái xe không phải ông Vinh mà là cô gái đi cùng có tên Nguyễn Phương Anh (SN 1991, trú cùng địa chỉ với Nguyễn Quang Vinh), cháu gọi Vinh bằng cậu.

Tuy nhiên, LS Bình cho rằng: “Trường hợp này cần chờ quá trình điều tra xác minh của cơ quan công an”. “Trường hợp ông Vinh nhận tội thay cho người khác thì người phạm tội thực sự sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự. Còn hành vi nhận tội thay của ông Vinh chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự” – LS.Bình kết luận.

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, khoảng 7h30 sáng 29/2/2016, một vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực phố Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) khiến 3 người tử vong. 

Các nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1969, ở số nhà 58 phố Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội); ông Trần Việt Tiến (SN 1952, ở Tổ 7 phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) và cháu Trần Gia Hân (6 tuổi, học trường Tiểu học Ngọc Lâm). Trong đó, ông Tiến là ông của cháu Hân, trên đường chở cháu gái đi học đã gặp nạn. Còn bà Trúc đang đi bộ cũng bị chiếc xe Camry đâm phải. 

Dương Phương Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang