Mức phạt nào dành cho những người sửa điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La?

author 06:15 27/07/2018

(VietQ.vn) - Sau khi phát hiện sai phạm liên quan đến ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT và 4 người khác, Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án để điều tra.

Chiều qua (26/7), thượng tá Lù Văn Lịch, Phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, đã ký quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự) để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La có dấu hiệu bị sửa điểm.

Quyết định khởi tố được cơ quan điều tra ban hành sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra Hội đồng thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ GD&ĐT tại Sơn La, qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến sai phạm là các ông/bà:

- Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó chủ tịch Hội đồng thi, Phó trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.

- Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Sơn La, Thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.

- Bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm.

- Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm.

- Ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí, ủy viên Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.

Mức hình phạt nào sẽ dành cho những người sửa điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La?

 Sau khi phát hiện sai phạm liên quan đến ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT và 4 người khác, Cơ quan an ninh điều tra công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án để điều tra. Ảnh Zing.

Trước đó, trao đổi với Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn), Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội cho biết những người sửa điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La vừa qua là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự. Bởi vậy, căn cứ vào động cơ, mục đích, căn cứ vào hành vi và hậu quả, Cơ quan điều tra công an tỉnh Hà Giang khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra là có căn cứ.

Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra sẽ hoàn tất hồ sơ để tiến hành khởi tố các bị can và có thể bắt tạm giam đối với đối tượng đã sửa điểm cho các học sinh trong kỳ thi vừa qua. Nếu có căn cứ xác định có người đã chỉ đạo, giúp sức hoặc xúi giục đối tượng phạm tội thì Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố các bị can đó về cùng một tội danh với vai trò đồng phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), thì Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định như sau:

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra chưa chứng minh được yếu tố vụ lợi nên trước mắt chị khởi tố được về tội danh này và có thể khởi tố thêm các đối tượng khác về tội thiếu trách nhiệm về hậu quả nghiêm trọng.

Khách thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ là Tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Nhà nước, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Chủ thể của tội danh này là chủ đặc biệt, ngoài việc có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định chung và đạt tuổi luật định thì phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Mặt khách quan của tội này là: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích mà họ đặt ra, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi gây thiệt hại một cách dễ dàng.

Về hình phạt: Theo quy định tại Điều 356 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (Khoản 2) hoặc phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (Khoản 3).

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Việc quyết định hình phạt cụ thể cho từng bị cáo sẽ do hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở các quy định của bộ luật hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nếu chỉ bị khởi tố về một tội danh này thì đối tượng có thể phải chịu mức án cao nhất là mười lăm năm tù.

Nếu phát hiện đối tượng này nhận tiền để thực hiện hành vi sửa điểm thì sẽ bị xử lý về tội hối lộ và hình phạt sẽ cao hơn chứ không như mức hình phạt quy định tại tội danh này.

Vụ việc sẽ tiếp tục được giải quyết theo quy định pháp luật.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang