'Mục sở thị' công nghệ canh tác và bảo quản táo Ba Lan tại vùng Grójec

author 15:51 21/10/2016

(VietQ.vn) - Grójec thuộc địa phận tỉnh Mazovia cũng là vùng trồng táo lớn nhất của Ba Lan, đóng góp tới 1/3 sản lượng táo cho quốc gia Đông Âu này.

 Táo đỏ vùng Grójec Ba Lan được bảo quản bằng công nghệ ULO

Grójec - Thủ phủ của táo đỏ

Táo trồng ở vùng Grójec này có kích thước và hương vị đặc trưng với màu đỏ đậm hơn bình thường. Theo giải thích của Cơ quan Thị trường Nông nghiệp (ARR), màu đỏ của táo trồng ở Grójec có được là do thành phần anthocyanis (hợp chất màu hữu cơ tự nhiên tan trong nước lớn nhất trong giới thực vật) và carotenoids (một dạng sắc tố hữu cơ có tự nhiên trong thực vật và các loài sinh vật quang hợp) cao hơn 5% ở lớp vỏ. Đây đều là hai hợp chất tự nhiên, đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lão hóa, ngăn chặn tế bào ung thư và bệnh xơ cứng động mạch. Những lợi ích cho sức khỏe mà táo trồng ở Grójec có được là nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu độc đáo của vùng cũng như kỹ năng của các nhà vườn đúc kết qua hàng chục thế hệ.

Được mệnh danh là khu vườn lớn nhất châu Âu, danh tiếng của Grójec đã được thiết lập từ thế kỷ 16 khi nữ hoàng Bona Sforza quyết định biến vùng đất này thành khu vườn của hoàng gia. Giới tăng lữ đã phát triển các kỹ thuật bảo quản táo từ thế kỷ 19 và khi Ba Lan giành độc lập vào thế kỷ 20, kho lưu trữ trái cây đầu tiên tại Grójec được xây dựng. Sau chiến tranh, mô hình trang trại đã bắt đầu phát triển trong vùng kéo theo các phương pháp canh tác hiện đại.

Danh tiếng của táo vùng Grójec đã được đăng ý Bảo hộ Chỉ dẫn Địa lý bởi EU vào ngày 5 tháng 10 năm 2011. Việc bảo hộ dành cho 27 loại táo bao gồm Gala, Gloster, Idared, và Ligol…Tất thảy đều được trồng trên các khu vực được quy hoạch nghiêm ngặt. Các nhà vườn ở đây cũng buộc phải tuân thủ những quy định về hệ thống canh tác bền vững cho ra thực phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường (IP) hay bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GLOBALGAP).

Táo được trồng theo từng hàng thẳng tắp, mỗi hàng cách nhau chừng dăm bước chân để tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Cây táo thường nở lá vào tháng Ba, tháng Tư và ra hoa chừng tháng Năm hay tháng Sáu. Táo mềm là táo thu hoạch từ đầu vụ, vào tầm tháng Tám đến tháng Chín. Để táo đạt được độ dòn, cứng và để được lâu thì mùa thu hoạch chính kéo từ tháng Mười đến tháng Mười Hai. Một cây táo có thể ra trái sau một năm trồng và cho thời gian thu hoạch lên tới 15 năm. Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, táo sẽ có vị thơm nhất và ngon nhất khi cây đạt được “độ tuổi tầm trung” và giai đoạn có năng suất cao nhất phải đảm bảo quy hoạch 40 tấn/ 1 ha.

 Táo được vận chuyển trên những băng chuyền bằng nước

"Hợp tác xã” kiểu mẫu

Táo sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào các nhà máy bảo quản và đóng gói. Fruit Family là nhà máy hoạt động giống mô hình một Hợp tác xã tại Grójec gồm 86 nhà nông và chủ vườn trong vùng với diện tích trồng trọt lên tới hơn 1.000 ha với sản lượng hàng năm vào khoảng 35.000 tấn táo và công suất dây chuyền đóng gói trái cây tới 30,000 tấn/ giờ.

Táo sau thu hoạch sẽ được mang đến kho lạnh khoảng 4-5 độ sau đó chuyển đến kho lưu trữ. Ông Jerzy Żółcik, Chủ tịch Fruit Family lý giải, nhà kho với dung tích khoảng 20.000 tấn tại đây đều được trang bị công nghệ ULO (còn gọi là kho chứa cực thấp Oxy). Bảo quản trong các kho chứa này, táo có thể giữ được chất nước và không bị hư do không khí và lượng ô xy luôn được kiểm tra và được giảm xuống mức tối đa. Mức oxy lý tưởng để bảo quản táo là dưới 1%. Ở điều kiện bảo quản này, táo có thể hoàn toàn “ngủ đông”, không thay đổi chất lượng và hương vị trong 6 tháng sau khi được hái khỏi vườn. Kể cả sau 1,5 tháng từ khi xuất khỏi kho, táo vẫn đảm bảo chất lượng tốt.

Có một điểm thú vị là tại nhà máy này, táo được vận chuyển trên những băng chuyền bằng nước. Fruit Family đưa băng chuyền nước vào vận hành từ 12 năm trước và cũng là một trong những nhà máy sử dụng loại công nghệ này đầu tiên trên thế giới. Băng chuyền nước này đã giúp khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm của dây chuyền truyền thống khi giảm thiểu được mức tối đa số lượng táo bị dập, hỏng. Băng chuyền mới cũng có thể giúp phân loại táo theo kích cỡ, lọc được những trái táo bị hỏng, xước vỏ hay vỏ màu không đồng đều. Nước sẽ được thay vài ngày một lần và hệ thống băng chuyền có đầu lọc nên đảm bảo nước luôn sạch và không có tạp chất.

Sau khi chạy trên băng chuyền nước, táo sẽ được đóng gói và đưa vào nằm ở kho lạnh có nhiệt độ 4-5 độ C khoảng 1 ngày. Sau đó, nhân viên nhà máy sẽ chuyển táo lên thùng lạnh của các xe chuyên dụng chở đến điểm phân phối. Điểm lại các quy trình từ lúc trồng, đến khi thu hoạch, bảo quản, đóng gói và xuất đi, ông Jerzy nhấn mạnh “quy trình nào cũng quan trọng cả” và đều phải đảm bảo chất lượng táo xuất xưởng được tốt nhất.

Có một điểm khác biệt giữa độ bóng của vỏ táo Ba Lan và táo được trồng ở một số nước khác. Táo Ba Lan có màu sắc tự nhiên, vỏ không quá bóng bởi người dân Ba Lan có thói quen dùng các thực phẩm tuyệt đối tự nhiên. Ở một số quốc gia khác, táo có thể được phun sáp lên để khiến vỏ táo trông bóng, đẹp và bắt mắt hơn. “Chính vỏ táo có nhiều vitamin và phần sát vỏ là ngon nhất nên người Ba Lan thường không gọt vỏ táo khi ăn”, theo ông Ngô Hoàng Minh, một người Việt có 36 năm kinh nghiệm sống và làm việc tại Ba Lan.

Vai trò của tiêu chuẩn hóa trong phát triển thành phố thông minh(VietQ.vn) - Thành phố thông minh được hiểu là sự hội tụ của các yếu tố: cơ sở hạ tầng hiệu quả, môi trường sống thân thiện và phá triển KT-XH bền vững.

Hoàng Thu

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang