Chuyên gia nhận định về tăng trưởng kinh tế 2014

author 15:10 12/11/2013

Ngay sau khi nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 được Quốc hội thông qua, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TPHCM, đã trao đổi với báo chí về một số chỉ tiêu, nội dung của nghị quyết quan trọng này.

* Phóng viên: Theo ông, đặt chỉ tiêu GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% có quá cao khi mà 3 năm rồi chúng ta liên tiếp không đạt chỉ tiêu tăng trưởng? 

* Ông TRẦN HOÀNG NGÂN: Vấn đề quan trọng là ở tổng đầu tư xã hội, đặc biệt là ở khu vực dân doanh. Nếu Chính phủ tháo được điểm này thì vẫn bảo đảm được tăng trưởng. Tôi nghĩ đặt mức tăng trưởng 5,8% là có cao, nhưng đó là mức để chúng ta phấn đấu. Cơ sở nào để đề ra mức đó, tôi cho rằng cái quan trọng nhất là thể chế thì hiện nay chúng ta đã khá hoàn thiện, vì thế có thể đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các tập đoàn - DNNN, đầu tư công, ngân hàng thương mại. Đồng thời, chúng ta cũng đang xử lý nợ xấu nữa. Những điểm nghẽn đó đang được xử lý dần dần.


Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP HCM.

* Lạm phát 7% trong năm 2014 liệu có thực hiện được, vì có lo ngại tăng trưởng tín dụng có thể làm lạm phát cao hơn?

* Tôi nghĩ là tăng trưởng tín dụng không cao. Năm nay khoảng từ 10-12%, năm sau cũng khoảng 13-14% thôi. Việc kiểm soát lạm phát còn phụ thuộc nhiều vào thế giới. Như năm 2013 này, chúng ta kiềm được lạm phát là do giá dầu thô thế giới không lên, đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta hụt thu ngân sách. Mà giá dầu thô thế giới năm 2014 theo dự báo sẽ khó biến động vì sự phục hồi của nền kinh tế cũng không mạnh mẽ lắm. Còn giá lương thực cũng sẽ bớt sốc vì nhiều nước hiện nay đều chủ động được lương thực.

Vì vậy, lạm phát năm 2014 phụ thuộc nhiều vào điều chỉnh giá của Việt Nam. Mà điều chỉnh giá thì Chính phủ phải cân nhắc vì tác động đến lạm phát là rất lớn. Nhưng tôi nghĩ nếu quyết tâm thì Chính phủ sẽ kiềm được lạm phát năm 2014 ở mức 7%. 

* Theo ông, khả năng giải quyết nợ xấu sang năm 2014 có khả quan?

* Giải quyết nợ xấu phụ thuộc chính vào 2 yếu tố: sản xuất kinh doanh và thị trường BĐS. Mà BĐS thì đòi hỏi phải có thời gian, theo tôi phải cần 2 năm nữa. Vì thế, bài toán giải quyết nợ xấu hiện nay mà Công ty Quản lý tài sản và mua bán nợ Việt Nam (VAMC) muốn là trì hoãn việc xử lý đó, kéo dài nó để chờ thị trường BĐS phục hồi. Châu Âu giải quyết khủng hoảng nợ công, Mỹ giải quyết khủng hoảng BĐS đều phải mất 5 năm. Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ năm 2010, tới nay là 3 năm rồi, cần phải thêm 2 năm nữa. Việt Nam nếu giải quyết cả 2 phải mất 10 năm, vì thế chỉ cố gắng giải quyết 1 trong 2 thứ thôi, đó là BĐS. 

* Nhưng hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp vẫn rất yếu. Theo ông, liệu năm 2014 có lạc quan được không?

* Vấn đề là cách Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Như TPHCM đã hình thành nên các tổ tác chiến của UBND thành phố để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đi xuống cùng họ để vướng chỗ nào thì gỡ chỗ đó, chứ không nói chung chung. Mô hình này cần được Chính phủ nhân rộng và áp dụng ngay vào cách điều hành của Chính phủ. Chính phủ phải có những tổ tác chiến đi xuống các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất giải quyết ngay những ách tắc của họ, chứ không chỉ là việc ban hành chính sách. Vì thực tế, luôn có khoảng cách giữa chính sách và việc thực hiện. Ví dụ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản (BĐS), cần chỉ ra hiện vướng ở đâu để cùng với các ngân hàng tháo gỡ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn mua nhà ở.

* Tái cơ cấu kinh tế hiện nay được đánh giá là quá chậm, theo ông, có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng?

* Quá trình này không dễ được đâu, vì nó thay đổi cả một tư duy. Vì vậy, tái cơ cấu đòi hỏi có thời gian. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta hay nói tái cơ cấu DNNN đang rất chậm, nhưng thực ra điều đó là cần thiết. Vì muốn tái cơ cấu phải có thể chế, chẳng hạn như muốn thoái vốn phải có quy định. Trước đây, chúng ta quy định thoái vốn là không được bán lỗ, giờ chúng ta cho phép bán lỗ nhưng phải thuyết minh. Rõ ràng là phải có thời gian hoàn thiện thể chế. Rồi vai trò của cơ quan đại diện giám sát vốn nhà nước như thế nào, vấn đề công khai báo cáo tài chính các tập đoàn. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian hoàn thiện thể chế. Nên có thể trong thời gian qua tái cơ cấu DNNN còn chậm là do thể chế. Bây giờ thể chế hoàn thiện rồi thì năm 2014-2015 chúng ta có thể đẩy mạnh.

Xin cám ơn ông !

Theo SGGP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang