Muôn kiểu giăng lưới “chặn” công chức ăn cắp giờ công

author 11:00 05/03/2014

(VietQ.vn)- Một năm sau nhận định “30% công chức cắp ô” được phát đi, dư luận đã chứng kiến không ít những "độc chiêu" quyết tâm nhằm cải tổ bộ máy công chức.

Chất lượng Việt Nam xin nêu lại những hành động được cho là biện pháp mạnh tay nhằm hạn chế tình trạng công chức ăn cắp giờ công

Cấm công chức đi nhậu, chơi điện tử trong giờ làm việc

Mới đây, Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức Bộ Nội vụ trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Theo đó, nghiêm cấm công chức, viên chức uống bia, rượu trong giờ hành chính, kể cả giờ nghỉ trưa và ngày trực; không đi uống cà phê, la cà quán xá, chơi trò chơi điện tử, xem video trong giờ làm việc; không đi sớm về muộn.

Các trường hợp là người đứng đầu, công chức, viên chức khi vi phạm kỷ luật lao động, lề lối làm việc...phải được làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm cụ thể để xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Trước đó, từ tháng 3/2013,  Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BTP nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống khác có nồng độ cồn tương đương. Bộ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan trực thuộc phải bổ sung quy định không uống rượu, bia trong ngày làm việc vào quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.

Công chức bị bắt "thóp" bất cứ lúc nào, ở đâu

Bêu hình công chức ăn cắp giờ công lên tivi

Trước tình trạng nhiều cán bộ, công chức đi trễ về sớm, không đảm bảo kỷ luật cơ quan…, tháng 4/2013, tỉnh Quảng Trị thực hiện chủ trương ghi hình những cán bộ vi phạm để phát lên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh (QTV).

Ngay “phát súng” đầu tiên, đoàn kiểm tra đã làm giới cán bộ, công chức “choáng váng” khi đưa hình ảnh bê trễ của một số vị lãnh đạo cấp sở, huyện lên ti vi.
Ông Trần Đăng Mậu, Trưởng phòng Thời sự QTV, khẳng định:  khi ghi hình cán bộ, công chức vi phạm là không cả nể, dù trước và sau khi quay, phát mỗi bản tin, đều có một số cuộc điện thoại, ý kiến vào ra, nhưng các thành viên trong đoàn đều trả lời rằng: “Chúng tôi đang thực hiện một cách nghiêm túc chỉ thị của đồng chí chủ tịch UBND tỉnh. Ai thắc mắc thì lên gặp đồng chí ấy...”.

Lý giải cho quyết định trên của mình, Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói: “Ai cũng hưởng lương như nhau mà người làm người chơi là không được. Đối với các công chức, viên chức vi phạm, lần đầu có thể chỉ nhắc nhở, nhưng nếu tái phạm sẽ không được bình xét thi đua, khen thưởng trong năm, riêng đối với trường hợp vi phạm có hệ thống, tỉnh sẽ có biện pháp xử lý nặng hơn...”

Mục kích tại quán cafe

Tháng 3/2013, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Lương Ngọc Bính, cùng Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Sơn và một số cán bộ thanh tra đã “mục kích” tại một số quán cà phê trên địa bàn TP Đồng Hới. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, đoàn đã “bắt quả tang” hàng chục cán bộ, công chức đang ngồi tán gẫu ở quán cà phê. Những cán bộ công chức này sau đó đã được đoàn lập danh sách gửi về các cơ quan, đơn vị quản lý nhắc nhở.

Từ chuyến đi này, dư luận cũng đã có thuật ngữ mới: “Vi hành kiểu Quảng Bình”.

Liệu có tình trạng công chức thay vì ngồi quán "vô tích sự" thì ngồi trong cơ quan cũng thế?

Theo ông Trần Quốc Thuận - Ủy viên Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận định  không thể quản lý theo kiểu chăn dắt.

“Nếu vẫn giữ cách kiểm tra theo kiểu “chăn dắt” như vậy, vấn đề chắc chắn sẽ không thể được giải quyết tận gốc mà chỉ khiến những cán bộ thiếu đạo đức kia thêm nhờn, tự nghĩ ra những biện pháp đối phó tinh vi. “Lùa” như thế nhưng vào cơ quan, chắc gì họ đã chịu làm việc. Như vậy là, thay vì ngồi quán cà phê vô tích sự thì nay họ ngồi trong cơ quan vô tích sự.

Nếu họ chỉ ngồi ở trong cơ quan mà không được việc gì, thậm chí ngồi trong cơ quan chạy cò thu lợi bất chính thì còn tai họa hơn.”

Lắp camera theo dõi, phát hiện là kỷ luật ngay!

Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Hậu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Hà Nội, trước thông tin cán bộ công chức của mình “ăn cắp” giờ công.
Khẳng định trên cũng xuất phát từ  sức ép về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2013 của Hà Nội tụt hạng chưa qua, lại đến cú sốc về sự hài lòng của doanh nghiệp quá thấp.

“Nếu phát hiện là tôi kỷ luật ngay. Nhẹ nhất là phê bình và thông báo trong sở và các cơ quan thuộc sở. Nếu kỷ luật ít nhất là khiển trách. Điều mà tôi cần nói rõ hơn đó là hiện nay, theo phân cấp và quy trình thì ngoài những trường hợp có khiếu nại, các chuyên viên của sở không được tiếp xúc trực tiếp với người dân.

Với doanh nghiệp phải nộp hồ sơ vào bộ phận “một cửa”, rồi từ đó mới chuyển đến các bộ phận chuyên môn giải quyết. Trường hợp phải tư vấn, làm việc với doanh nghiệp thì cán bộ phải làm việc tại phòng khách tầng 1 có lắp camera theo dõi toàn bộ hoạt động của cán bộ.”, ông Hậu nói.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng đã yêu cầu xử lý nghiêm những cán bộ công chức đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính…

Gắn sao chấm điểm công chức

Năm 2012, Đà Nẵng đã đi tiên phong  trong việc tiến hành chấm điểm công chức bằng cách niêm yết công khai toàn bộ hình ảnh, tên tuổi của công chức trên web để người dân có thể nhận xét từng công bộc của dân.

Ông Trần Trung Sơn, trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết, việc ra đời chương trình “chấm điểm công chức” đã tạo một bước ngoặt trong đánh giá hiệu quả làm việc, thái độ của công chức. Bất kỳ một thái độ, cách ứng xử của công chức lập tức sẽ bị người dân “gắn” sao.

“Việc người dân gắn “sao” chấm điểm cán bộ công chức có ý nghĩa tham khảo, nhưng với công chức bị đánh giá thấp chắc chắn sẽ bị xem xét.” - ông Sơn nói.

Hoàng Vũ (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang