Muôn kiểu mất tiền oan khi cho trẻ sử dụng thiết bị di động

author 10:36 19/04/2017

(VietQ.vn) - Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa đưa ra khuyến cáo về những rủi ro khi trẻ em sử dụng thiết bị di động và các ứng dụng trên thiết bị.

Theo đó, việc sử dụng thiết bị di động như điện thoại/máy tính bảng ngày càng trở nên dễ dàng, ngay cả với trẻ em. Bất kể nguyên nhân là do các ứng dụng tăng sự thông minh, sáng tạo cho trẻ em hay do sự bận rộn của người lớn, việc trẻ em sử dụng điện thoại/máy tính bảng để giải trí đang phổ biến hơn bao giờ hết.

Bên cạnh hiệu ứng tích cực cho trẻ em và cả người lớn trong việc này, không thể phủ nhận các hậu quả, trong đó có thiệt hại do trẻ em tự do kích hoạt các ứng dụng (có tính phí), kích hoạt gói dữ liệu internet hoặc mua hàng trong ứng dụng. Trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc người dùng điện thoại phải trả một số tiền rất lớn cước viễn thông do các gói dữ liệu được kích hoạt bởi trẻ em, điển hình là việc bật dữ liệu 3G (không trọn gói) song song với việc bật định vị trong vài tiếng đồng hồ. Chỉ trong một thời gian ngắn như thế, người dùng điện thoại đã bị tính phí vài triệu đồng.

Muôn kiểu mất tiền oan khi cho trẻ sử dụng thiết bị di động

Việc trẻ em sử dụng điện thoại/máy tính bảng để giải trí đang phổ biến hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa

Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, trẻ em là đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất/dễ bị vi phạm quyền lợi nhất. Trong lĩnh vực ứng dụng di động, nhận thức của trẻ em về các rủi ro trong quá trình sử dụng rõ ràng không cao như người lớn. Hơn nữa, trẻ em cũng dễ bị thu hút hơn người lớn trong các trò chơi, đặc biệt trong bối cảnh các ứng dụng ngày càng được phát triển với các vật dụng/nội dung hấp dẫn trẻ em. Việc này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở những nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ trong suốt nhiều năm qua.

Cục quản lý cạnh tranh cũng đưa ra dẫn chứng, hồi đầu 4/2017, Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ (U.S Federal Trade Commission – US.FTC) đã tiến hành xử lý vụ việc liên quan đến việc trẻ em mua hàng trong ứng dụng (In-Apps Purchase) của Công ty Amazon. Tòa án đã ra phán quyết về việc Amazon phải chuẩn bị số tiền đền bù cho người tiêu dùng lên tới 70 triệu USD. Diễn biến trước đó của vụ việc bắt nguồn từ việc bị tính phí mua hàng trong ứng dụng mặc dù chủ tài khoản không thực hiện giao dịch. Các giao dịch này được thực hiện thành công bởi trẻ em mà không cần xác nhận từ người lớn.

Các ứng dụng liên quan trong vụ việc chủ yếu là trò chơi trực tuyến (online games) cho phép mua các vật dụng trong trò chơi như: đồ dùng cho nhân vật, nâng cấp nhân vật, diện tích sở hữu, tài nguyên trong trò chơi, các phần tiếp theo của trò chơi, hoặc thậm chí là phí để bỏ qua một phần quá khó của trò chơi... Tiền ảo trong trò chơi được mua bằng thông tin thẻ tín dụng của người dùng – một hình thức thanh toán rất nhanh gọn do thông tin thẻ đã được lưu sẵn trong tài khoản. Thông thường, khi có yêu cầu mua hàng từ người chơi, các ứng dụng sẽ yêu cầu thông tin xác nhận như mật khẩu hoặc dấu vân tay. Tuy nhiên, Amazon đã cho phép người chơi mua hàng mà không cần xác nhận từ chủ tài khoản – chỉ khi nhận được sao kê thẻ tín dụng từ ngân hàng, người dùng mới biết về các khoản chi. Vụ việc diễn ra trong suốt 5 năm: từ tháng 11.2011 đến tháng 5.2016 với thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng.

Giá bia có tăng khi áp dụng dán tem đối với các sản phẩm bia?(VietQ.vn) - Đề án quy định về việc dán tem bia đối với tất cả các sản phẩm bia đang dự thảo lấy ý kiến và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến giá bia.

Phán xét của Tòa án về vụ việc này được cho là thỏa đáng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với góc độ người tiêu dùng, việc chủ động bảo vệ quyền lợi của mình sẽ có ích hơn là để thiệt hại xảy ra và được bồi thường. Vụ việc tương tự Amazon đã từng được US.FTC xử lý triệt để với Apple và Google – những nhà cung cấp ứng dụng hàng đầu thế giới. Theo đó, 2 công ty này đã tiến hành bồi thường cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng, đồng thời cho phép người tiêu dùng đòi tiền bồi hoàn ngay trên thiết bị di động khi phát hiện có giao dịch trong ứng dụng. 03 vụ việc này chứng tỏ, một lượng rất lớn người tiêu dùng trên thế giới đã bị ảnh hưởng từ việc mua hàng trong ứng dụng.

Để hạn chế thiệt hại liên quan đến mua hàng trong ứng dụng, Cục quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động quản lý tài khoản cũng như thiết bị di động của mình. Dưới đây là các bước giúp người tiêu dùng quản lý chặt chẽ việc mua hàng trong ứng dụng đối với từng hệ điều hành:

Đối với hệ điều hành IOS:

Bước 1: Mở ứng dụng Cài đặt trên Iphone/Ipad, nhấp vào Chung -> Hạn chế

Bước 2: Nhập mật mã để bật các nội dung hạn chế

Bước 3: Theo mặc định, tất cả ứng dụng và dịch vụ đều được phép mua hàng trong ứng dụng. Để ngăn chặn việc này, hãy nhấn vào Mua In-App để tắt đi.

Đối với hệ điều hành Android:

Bước 1: Khởi động Google Play (CH Play) sau đó vào Cài đặt (Settings)

Bước 2: Vào phần Lọc nội dung và Yêu cầu xác thực cho giao dịch

Bước 3: Tại phần Lọc nội dung, chọn mức quản lý cao nhất là Mọi người, sau đó nhập mã pin bảo mật và nhấn OK

Bước 4: Trong mục Yêu cầu xác thực, chọn Đối với tất cả giao dịch mua qua Google Play thông qua thiết bị này (nhập mật khẩu tài khoản Google để hoàn tất cài đặt)

Ninh Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang