Mỹ đầu tư mạnh: Việt Nam hãy học Malaysia

author 11:21 24/06/2015

Việt Nam đang đi theo con đường của Malaysia và nên học bài học từ nước này để nắm bắt được thời cơ.

Không có gì phải bàn cãi nữa, Mỹ đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam đặc biệt các lĩnh vực công nghệ cao, nhiều chất xám rõ ràng nhìn từ hai phía Việt Nam và Mỹ đều đang thấy những cơ hội và tiềm năng trong chiến lược đầu tư và phát triển lâu dài.  

PGS.TS Vũ Chí Lộc (ĐH Ngoại thương) phân tích, sự hội nhập sâu, rộng trong những năm gần đây cùng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết cho thấy Việt Nam là điểm đến màu mỡ cho các nhà đầu tư Mỹ. Chắc chắn, Mỹ không bỏ tiền để làm chính trị đơn thuần.

Xét trên góc độ chính trị, dễ hiểu đây là chính sách xoay trục của Mỹ sang khu vực Đông Nam Á- Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng về kinh tế, nếu Mỹ đầu tư vào Việt Nam nền sản xuất sẽ được đảm bảo vì Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khi bỏ tiền ra đều không nằm ngoài mục tiêu “lợi ích”. Bất cứ chiến lược nào cũng phải đảm bảo quyền lợi của chính các nhà đầu tư trước.  

TS Trần Thanh Phương (ĐH Ngoại thương) cho rằng, Mỹ là một nhà đầu tư, xu hướng đầu từ vào các nước Châu Á trong đó có Việt Nam đã diễn ra từ lâu. Tập đoàn Intel khi mới vào Việt Nam họ đã nói rõ ưu tiên của Intel không phải là nguồn lao động giá rẻ mà là nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao. Khi tuyển dụng, số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của họ chưa đến một nửa, lúc đó, Intel đã tỏ rõ thái độ thất vọng thật sự.

Đến nay, Intel quyết định chuyển hoạt động sản xuất từ Costa Rica sang Việt Nam với quy mô vốn rất lớn lên tới 1 tỷ USD cho thấy họ đang kỳ vọng vào sự thay đổi của Việt Nam. Đồng thời, còn muốn tận dụng những ưu đãi về chính sách, cùng với những lợi thế các hiệp định thương mại mang lại cho họ. 

Nhìn nhận từ hai phía cả nhà đầu tư và nước thu hút đầu tư có thể giải thích được lý do vì sao dòng đầu tư của Mỹ đổ mạnh vào Việt Nam là không hề bất ngờ. Thậm chí, sẽ còn tăng lên. Vấn đề của Việt Nam là phải thay đổi thế nào để tận dụng tốt nhất những lợi thế đó chứ không cơ hội qua đi và lại trở thành thách thức.  

Theo bà Phương, Việt Nam nên học bài học của Malaysia. Từ những năm 90, Malaysia cũng như Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài nhưng chủ yếu ở công đoạn ít giá trị gia tăng, chủ yếu gia công lắp ráp.  

Sau một thời gian, chính phủ Malaysia đã có những chính sách yêu cầu Intel giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực bằng cách thành lập đại học Intel, tổ chức cho các cán bộ cấp cao của Malay học bên Mỹ. Một thời gian ngắn sau đó, Intel đã dần chuyển giao những công đoạn công nghệ cao cho Malaysia đẩy phân khúc gia công, lao động chân tay sang Việt Nam. 

Việt Nam đang đi theo con đường Malaysia đã đi những năm trước đó, nhìn thấy rõ nhầt là với yêu cầu của Samsung mới đây.

Samsung sản xuất tại Việt Nam nhưng có tới 55 nhà cung cấp linh kiện, thiết bị đều đến từ Hàn Quốc chỉ có 5 nhà sản xuất của Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia cung cấp bao bì, đóng gói cho họ. Nguyên nhân là vì năng lực, trình độ của Việt Nam không thể đáp ứng được yêu cầu của họ.  

Mới đây, Việt Nam cũng có yêu cầu phía Hàn Quốc hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp Việt, hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của Samsung.

83% tốp doanh nghiệp lớn hàng đầu của Mỹ đều có hiện tượng chuyển giá

Ngoài chuyện thay đổi để đáp ứng được yêu cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất công nghệ cao của Intel, Việt Nam cũng phải học bài học chống chuyển giá từ chính các tập đoàn lớn.  

Ông Lộc nhắc lại bài học từ Tập đoàn Samsung. Ông nhấn mạnh, chuyển giá thành công phụ thuộc vào hai điều kiện: Một là bản thân doanh nghiệp có điều kiện chuyển giá; Hai là sự yếu kém của đối tác. Ví dụ Intel, Cocacola, Pepsico…đều là những tập đoàn đa quốc gia hình thành trên nền tảng nhiều công ty mẹ, con, anh, chị. Đây là điều kiện hành vi chuyển giá thành công.

TS Trần Thanh Phương cũng cho rằng, chuyển giá là câu chuyện khá sôi động xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế và Việt Nam có vẻ sôi động hơn trong thời gian gần đây. Thực tế, có đến 83% tốp doanh nghiệp lớn hàng đầu của Mỹ đều có hiện tượng chuyển giá. Ngăn chặn triệt để tình trạng chuyển giá là điều không thể, để hạn chế tình trạng này, ông Lộc cho rằng phải từ hai phía. Nhà nước hỗ trợ chính sách pháp lý và doanh nghiệp tự nâng tầm. 

Nếu cơ quan quản lý yếu kém, không minh bạch khó chỉ ra các hoạt động chuyển giá, trong khi năng lực doanh nghiệp yếu kém là cơ hội cho chuyển giá hoành hành.

Theo Đất Việt


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang