Mỹ luyện tập cho kịch bản chiến tranh với Trung Quốc

author 14:27 16/10/2014

Trên boong tàu sân bay hạt nhân USS George Washignton, 11 chiếc máy bay chiến đấu xếp hàng chờ cất cánh. Chiếc thứ nhất được móc trên máy phóng. Âm thanh lên cao trào khi động cơ của nó gầm lên.

Sau đó, trong đám mây hơi nước màu trắng, chiếc máy bay nặng 15 tấn bị bắn khỏi boong, bật về phía cuối tàu như một món đồ chơi.

Vài giây sau, các nhân viên trên boong, trong áo choàng nhiều màu, bình thản đưa chiếc tiếp theo vào hàng.

Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes, tác giả phóng sự về việc Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa, hạ cánh xuống con tàu sân bay hạt nhân, khi các tàu phối thuộc nó cùng một hạm đội tàu sân bay nữa, và 200 phi cơ chiến đấu, luyện tập gần Guam. Anh kể lại trải nghiệm hiếm hoi và phân tích nguyên nhân Mỹ chuẩn bị trước nguy cơ một cuộc chiến ở tây Thái Bình Dương với Trung Quốc.

"Không nhiều người được mời lên tàu sân bay hạt nhân Mỹ. Và sau khi viết ra điều này, có thể trong tương lai gần, tôi sẽ không được mời thêm lần nữa. Nước Mỹ thích nói về việc hợp tác cùng Trung Quốc, nhưng rõ ràng hải quân nước này cũng đang luyện tập cho một cuộc xung đột tiềm ẩn ở Thái Bình Dương.

Thật không thể không kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến hải quân Mỹ ở cự ly gần thế này. Không có hải quân nước nào khác trên thế giới có kiểu đồ chơi này, hay dễ dàng khoe khoang chúng theo cách đầy mê hoặc đến thế.  

Nhưng khi đứng trên boong, quay phóng sự về cách "Mỹ đang luyện tập cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc", tôi có thể thấy người đón tiếp tôi ở văn phòng đối ngoại của hải quân cau mày. 

Bạn thường quen nghe câu này: Hải quân Mỹ "không luyện tập cho cuộc chiến tranh với bất cứ nước nào cụ thể". Nhưng hải quân Mỹ cũng không tề tựu hai hạm đội tàu sân bay và 200 máy bay ngoài khơi đảo Guam chỉ để cho vui. Ở đây, họ luyện tập cho điều Lầu Năm Góc gọi là "Hải-Không tác chiến". 

Khái niệm này lần đầu được đưa ra năm 2009, và nó được xây dựng cụ thể nhằm đối phó mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc. 

Vài phút sau khi xem chiến đấu cơ cất cánh, tôi đang đứng trên đài chỉ huy trên tàu cùng Chuẩn đô đốc Mark Montgomery, tư lệnh nhóm tác chiến tàu sân bay George Washington. Các lực lượng, dưới sự chỉ huy của ông, đang luyện tập cho khả năng phải đối diện với kịch bản "chống tiếp cận, chống xâm nhập". 

Ông Montgomery cho biết nói đến năng lực của hải quân Mỹ là nói đến khả năng hoạt động không giới hạn tại những vùng biển mà nước này chọn. "Bởi một số nước đang có nhiều vũ khí chống tiếp cận ngày càng tinh vi, chúng tôi phải xây dựng chiến thuật, kỹ thuật và quy trình để tiếp tục hoạt động mà không bị giới hạn". 

Các thành viên trên tàu sân bay thực hành kịch bản "chống tiếp cận, chống xâm nhập"

Chuẩn đô đốc Montgomery không thảo luận về chi tiết của cuộc tập trận. Nhưng các con tàu và máy bay của ông đối mặt với một mạng lưới những mối đe dọa ngày càng phức tạp, từ dưới nước, trên không, trên bộ, không gian mạng và từ vũ trụ. "Nhìn chung, một số nước có khả năng di dời vệ tinh hoặc hạn chế thông tin liên lạc vệ tinh", ông nói. "Vì vậy, chúng tôi phải thực hành làm việc trong một môi trường không liên lạc được". 

Hải quân Trung Quốc vẫn chưa sánh được với hải quân Mỹ, và sẽ không thể sánh đươc trong một thời gian dài nữa. Nhưng thay vào đó, Trung Quốc đã triển khai các vũ khí khác có khả năng buộc những con tàu sân bay Mỹ tránh xa bờ biển nước này. 

Trong số đó có các tàu ngầm mới chạy êm hơn, những tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa và, có thể thứ đáng lo ngại nhất, là các tên lửa đạn đạo tầm trung rất chính xác, được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". 

Đúng lúc đó, chuông báo động vang lên. Một giọng nói phát đi từ hệ thống loa chung. "Đây là cuộc tập trận, đây là cuộc tập trận! Khói đen! Khói đen!". 

Tàu George Washington đang bị tấn công giả định. Một phần của tàu được báo đang bốc cháy. Các đội chạy đến để hạn chế thiệt hại. 

Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc có khẩu hiệu chính trị quan trọng nhất, và thường được lặp đi lặp lại là "sự trỗi dậy hòa bình". Nó được nêu ra nhằm đảm bảo với các láng giềng rằng sự sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc không phải là một mối đe dọa. 

Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền hồi năm ngoái, một sự thay đổi rõ rệt diễn ra. Trung Quốc đang khẳng định tuyên bố chủ quyền ở rất xa so với đường bờ biển của nước này. 

Các tàu Trung Quốc hung hăng tuần tra chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, từ lâu đã do Nhật Bản kiểm soát. Bắc Kinh cũng đang chi tiền tỷ để xây những hòn đảo mới ở Biển Đông. 

Hồi tháng 8, một chiến đấu cơ Trung Quốc đối đầu với một máy bay trinh sát Mỹ ở không phận quốc tế trên Biển Đông, liên tục bay sát nó, có lúc cách nhau chỉ 6 m, hải quân Mỹ cho biết. 

Theo Chuẩn Đô đốc Montgomery, tất cả những điều này càng khiến cho vai trò của hải quân Mỹ trong khu vực trở nên thiết yếu hơn. "Hải quân Mỹ là một trong những bên đóng góp lớn nhất cho an ninh và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói. "Chúng tôi đã làm vậy trong gần 70 năm". 

"Tôi nghĩ hải quân Mỹ đóng vai trò tốt khi giữ ổn định mọi thứ, đảm bảo các đối tác và ngăn ngừa kẻ thù có hành động không minh bạch hoặc bất hợp pháp". 

Các lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ bất bình. Mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh là thống trị vùng biển gần các bờ biển nước này. Nếu hải quân Mỹ cố gắng ngăn chặn điều đó, chẳng phải có thể khiến xung đột dễ xảy ra hơn hay không?

Nhưng từ Tokyo, Manila tới Hà Nội, có những chính phủ đang rất vui khi thấy hạm đội tàu sân bay lớn của Mỹ đang đi qua những vùng biển này. 

Theo VnExpress


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang