Mỹ nhận thua Nga trong ‘cuộc chiến ngai vàng’ ở Bắc Cực

author 09:05 17/04/2015

(VietQ.vn) - Washington thừa nhận trong khi Nga đang tiếp tục mở rộng chủ quyền ở Bắc Cực, Mỹ vẫn chỉ là “kẻ ngoài cuộc” trong khu vực này và thậm chí đang ‘tụt hậu’ trong cuộc chiến truyền thông.

Liên quan đến cuộc chiến giành lãnh thổ ở khu vực Bắc Cực giữa các siêu cường thế giới, báo Vietnamnet dẫn lời Đô đốc Paul F.Zukunft, Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cho hay, trong khi Nga tăng năng lực tại Bắc Cực, thì Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc ở khu vực này.

"Chúng ta chỉ đứng bên lề như quốc gia duy nhất không phê chuẩn Luật về Công ước Biển", ông Zukunft tuyên bố tại hội nghị và triển lãm Biển, Trời hàng năm của liên đoàn hải quân tại Maryland hôm 15/4. Theo chỉ huy trên, "Mỹ có hai tàu phá băng... Mỹ là nước thịnh vượng nhất trên trái đất. GDP của Mỹ gấp 8 lần của Nga. Trong khi đó, Nga có 27 tàu phá băng".

Nga đang mở rộng chủ quyền tới Bắc Cực trong khi Mỹ vẫn chỉ là ‘kẻ ngoài cuộc’

Nga đang mở rộng chủ quyền tới Bắc Cực trong khi Mỹ vẫn chỉ là ‘kẻ ngoài cuộc

Ông Zukunft cho biết thêm, về cơ bản, Mỹ ‘không tham gia cuộc chơi’ và đang nhường Bắc Cực cho Nga cùng những quốc gia khác thực hiện nghiên cứu và mở rộng thềm lục địa tại đó. Được biết, theo Công ước Biển của LHQ, Mỹ sẽ tuyên bố quyền khai thác đối với một khu vực rộng gấp đôi diện tích California.

Từ đó, Mỹ sẽ tiếp cận được với khoảng 13% trữ lượng dầu và gần 30% trữ lượng khí tự nhiên trên thế giới, cũng như lượng khoáng sản trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ vẫn chưa ký các bản gần đây nhất của Công ước Biển dù Tổng thống Obama đang hết lòng ủng hộ.

Ông Zukunft cho biết, ước muốn đầu tiên của ông sau khi Công ước luật biển được thông qua là sẽ triển khai tàu phá băng, có thể cả vũ khí nếu cần thiết tới Bắc cực để khai phá.  Tuy nhiên, theo thông tin trên báo An Ninh Thủ Đô, Tư lệnh Bắc Mỹ, William Gortney tuyên bố, Washington và Moscow không cạnh tranh để phân quyền thống trị ở Bắc Cực.

Trong khi tại Bắc Cực, Nga đang tăng tốc, mở rộng phạm vi ảnh hưởng quân sự, bao gồm cả việc bổ sung các lữ đoàn mới, tàu đến khu vực và xây dựng sân bay mới. Hiện Moscow đang xây dựng 13 sân bay mới và tuần tra tầm xa ngoài khơi bờ biển Alaska của Mỹ.

Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đang thực hiện nghiên cứu và mở rộng thềm lục địa ở Bắc Cực

Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác đang thực hiện nghiên cứu và mở rộng thềm lục địa ở Bắc Cực

Bên cạnh đó, Nga cũng đang xem xét việc cải thiện khả năng quân sự của mình bằng cách phát triển một phiên bản được giám sát đặc biệt - súng chống máy bay và hệ thống tên lửa tự hành Pantsir (SA-22 Greyhound) để sử dụng tại khu vực này.

Mặc dù năm 2014, Tổng thống Nga Putin khẳng định, Nga không có kế hoạch quân sự hóa vùng Bắc Cực, mà chỉ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực, nhưng củng cố sự hiện diện tại khu vực Bắc Cực là một phần chiến lược quân sự của Moscow hướng tới năm 2020.

Trong khi đó, hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu các công nghệ cho phép thủy thủ, vũ khí hoạt động tốt hơn ở môi trường khắc nghiệt cũng như gia tăng tập trận với đồng minh để chuẩn bị mở rộng hoạt động ở Bắc Cực. Mặt khác, Lầu Năm Góc đã yêu cầu Canada cài đặt một hệ thống cảm biến tên lửa mới tại Bắc Cực để nâng cấp cảm biến cũ và có thể phát hiện nhiều mối đe dọa tên lửa.

Gần đây, Mỹ cũng buộc phải thừa nhận đang ‘tụt hậu’ so với Nga trong lĩnh vực truyền thông

Gần đây, Mỹ cũng buộc phải thừa nhận đang ‘tụt hậu’ so với Nga trong lĩnh vực truyền thông

Cũng liên quan tới việc Mỹ trở nên thua kém so với Nga, Quốc hội Mỹ mới đây đã tổ chức một loạt phiên điều trần, cố tìm hiểu tại sao ngày càng có nhiều người Mỹ và cả người dân các quốc gia khác trên thế giới chuyển sang các nguồn tin khác và từ bỏ truyền thông chính thống.

Ủy ban Quan hệ đối ngoại Hạ viện vừa tổ chức một cuộc điều trần với nhan đề "Đương đầu với vũ khí hóa thông tin của Nga". Một quan chức Mỹ cấp cao cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng gấp đôi ngân sách cho chương trình tuyên truyền bằng tiếng Nga.

Tuy nhiên, theo chứng thực của Helle Dale, một thành viên của Quỹ di sản chuyên về ngoại giao công chúng, thì các đài của Mỹ không tác động nhiều tới người Nga. Theo đó, đài VOA của Mỹ chỉ xếp hạng 3.828 trong khi RT là 61.

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang