Mỹ phẩm đông y gia truyền khi nào thôi bát nháo?

author 06:00 30/06/2018

(VietQ.vn) - Đánh vào tâm lý người dùng là mỹ phẩm làm từ thiên nhiên là những sản phẩm an toàn, không độc hại, trên mạng xã hội các fanpage kinh doanh mỹ phẩm gắn mác đông y gia truyền quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mọc lên như "nấm sau mưa".

Mỹ phẩm dưỡng da, trị mụn đông y tràn facebook

Chiêu của các shop bán mỹ phẩm đông y là đăng những hình ảnh gây sốc nhằm tác động mạnh đến người xem như những khuôn mặt nát bươm vì mụn hay tàn nhang che kín rất mất thẩm mỹ.

Thậm chí có những fanpage còn sử dụng hình ảnh bản tin của VTV cùng các biên tập viên để quảng cáo cho sản phẩm của mình.

Mỹ phẩm Đông y Ngọc Sâm đã từng bị xử phạt vì kinh doanh trái pháp luật. 

 

Theo tìm hiểu của PV, các loại mỹ phẩm đông y gia truyền được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội là mỹ phẩm dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt, kem làm trắng da...Tất cả những sản phẩm này được bao gói đẹp mắt, với nhiều thành phần và công dụng mà rất ít những hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới có thể bì kịp.

Có những sản phẩm vừa được quảng cáo là mỹ phẩm vừa có công dụng như thuốc đặc trị. Vừa trị vảy nến, vừa làm đẹp da, tái tạo làn da, chống lão hóa lại vừa làm kem dưỡng khi trang điểm...

Công dụng thì đa chức năng, giá của các loại mỹ phẩm đông y cũng rất vô cùng. Với mức giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Các sản phẩm này len lỏi vào những spa và mặc nhiên trở thành các sản phẩm "độc quyền" của spa đó trong khi chất lượng, hiệu quả của các sản phẩm này chủ yếu phụ thuộc và cam kết của người bán chứ chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Cụ thể như ngày 22/6, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội qua kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (Ngọc Tú Nature Beauty), tại huyện Thanh Trì đã phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y dưỡng da, trị mụn, kem chống nắng, sữa rửa mặt... Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp không có mặt để xuất trình giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm. Được biết hơn một năm qua công ty này đã tổ chức sản xuất mỹ phẩm đông y sau đó tiêu thụ tại các cửa hàng spa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành, đồng thời mở 246 đại lý bán hàng online trên mạng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 TP Hà Nội về an toàn thực phẩm đã kiểm tra tầng 5 nhà 45, ngõ 9, Hoàng Cầu, quận Đống Đa đã phát hiện 7 loại mỹ phẩm rửa mặt, kem trị nám gắn mác đông y gia truyền Nguyệt Tâm Đường, Ngọc Sơn Đường chất lượng không bảo đảm... Theo chủ cơ sở khai nhận mua nguyên liệu qua mạng sau đó sang chiết vào các lọ, túi và đóng gói, dán tem rồi thông qua mạng xã hội để tiêu thụ.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương cùng các bên liên quan kiểm tra cơ sở mỹ phẩm Ngọc Tú Nature Beauty

 

Khi nào thôi bát nháo?

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, ông Nguyễn Công San, lợi nhuận của mặt hàng này khá lớn bởi không phải đầu tư trang thiết bị, máy móc để sản xuất; các đối tượng sản xuất mua nguyên liệu Trung Quốc, đóng vào các chai lọ rồi tự dán tem nhãn mỹ phẩm đông y gia truyền để lừa người tiêu dùng.

Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này còn chưa đồng bộ, đặc biệt thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý đối với các mặt hàng y học cổ truyền, dược liệu. Đây cũng chính là những khó khăn khiến cho việc ngăn chặn của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế.

Để quản lý triệt để chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ chú trọng kiểm tra việc mua bán mỹ phẩm có hóa đơn chứng từ hợp pháp, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đồng thời, phối hợp với ban chỉ đạo 389 của địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ sản xuất, buôn bán, mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép sản xuất, lưu hành.

Theo ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương, đơn vị này trong thời gian gần đây cũng tiến hành nhiều cuộc "truy quét" các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm đông y gia truyền được bán trên mạng xã hội.

Kết quả đợt kiểm tra, ông Hùng cho biết sẽ được công khai trên báo chí và đối với những cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm, theo quy định hiện hành, đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không phép.

Vì đâu mỹ phẩm giả, thuốc đông y kém chất lượng náo loạn thị trường?(VietQ.vn) - Gần đây, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, thuốc đông y giả liên tiếp bị cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng với những con số giật mình.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang