Mỹ phẩm hàng hiệu sản xuất bằng hóa chất

author 09:36 31/07/2014

Hóa chất lỏng được trộn trong chậu, thau nhanh chóng được khoác lên mình hiệu Onalyss, Snow white, Hoa Lan, Cream Vitamin Enaco… và tung ra thị trường bán với giá đắt.

Sự kiện:

Mới đây, Đội QLTT Bình Thạnh cho biết, qua kiểm tra tại địa chỉ trên đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh (nhà ngăn phòng cho thuê) phát hiện tại một phòng do bà Nguyễn Thị Thanh Dung (28 tuổi) thuê có dấu hiệu kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Khai báo với cơ quan chức năng, chủ xưởng sản xuất thừa nhận là đã sản xuất và kinh doanh các loại kem trắng da giả mạo để bán cho khách hàng. Để “sản xuất” loại kem này, bà Dung mua kem bột ở chợ Bình Tây và chợ Kim Biên về tháo ra đổ vào thau hoặc đổ vào xô rồi nhào trộn chung với các loại kem khác.

Số mỹ phẩm giả bị cơ quan chức năng thu giữ.

Máy pha trộn mỹ phẩm và máy ép ly tâm cũng được bà Dung mua ở chợ Kim Biên. Mỹ phẩm dỏm sau khi chế biến xong thì được múc đổ vào hộp, hũ, lọ, sau đó dán nhãn hiệu, tem trên bao bì sản phẩm kem trắng da các hiệu như: Snow white, Snow girl, Queen perfect, Cabeller, O’nalyss... ghi xuất xứ Thái Lan, Anh được xách tay từ nước ngoài về. Hàng hóa chủ yếu được rao bán qua mạng với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm, ai mua thì giao tận nhà. 

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 1 xô dung dịch lỏng màu hồng, 1 xô dung dịch bên trong chứa nhiều màu sắc, 83 chai hiệu Queen Perfecl; 26 bình hiệu Snow Girl; 55 hũ hiệu Cabeller; 32 bình không hiệu chứa dung dịch; 145 hũ hiệu Onalyss, Snow white, Hoa Lan, Cream Vitamin Enaco… nhiều thau, thùng, đựng nguyên liệu, bột màu các loại và nhiều dụng cụ pha chế mỹ phẩm. Ngoài ra, tại khu vực hành lang, lực lượng kiểm tra còn phát hiện có một số lượng lớn mỹ phẩm các hiệu như: Cabellner (350g/hũ), Fruit Sorbet mùi sữa, mùi dâu (500g/tuyp), Velvet (350g/hũ), bột tắm trắng…

Cận cảnh mỹ phẩm hàng hiệu đựng trong xô, chậu

Xưởng sản xuất thủ công này chỉ có 2 nhân viên với những công việc đơn giản: Nhiệm vụ của Nguyễn Trường Hiếu là mua bao bì nhựa về để đựng các loại kem đã được pha chế rồi đưa vào máy để ép bao bì lại. Đồng thời, Hiếu phụ trách luôn việc đi giao hàng tân nhà cho khách hàng. Mỗi tháng Dung trả cho Nguyễn Trường Hiếu 6 triệu đồng. Riêng Nguyễn Thanh Tú thì Dung trả 2-3 triệu đồng/tháng vì công việc nhẹ hơn. Nhiệm vụ của Tú là phụ Dung tháo rời các loại kem nguyên liệu mua ở ngoài thị trường để cho Dung pha trộn. Khi pha chế xong, Tú múc kem vào hộp, hũ, rồi dán nhãn hiệu, tem lên sản phẩm.

Chỉ cần như vậy, những loại mỹ phẩm rởm nhanh chóng lột xác thành mỹ phẩm hàng hiệu trà trộn vào thị trường mỹ phẩm trong nước. 

Trước đó, ngày 1/7, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM - đội 5B cũng phát hiện hàng loạt mỹ phẩm hàng hiệu bị làm giả. Qua kiểm tra thực tế lô hàng, lực lượng kiểm tra phát hiện lô hàng này gồm 27.471 đơn vị sản phẩm thuộc các loại mặt hàng ngoại nhập cao cấp, bao gồm tân dược dùng trong công nghệ làm đẹp (collagen, vitamin dạng lỏng đựng trong lọ mang các thương hiệu cao cấp nổi tiếng từ châu Âu), mỹ phẩm, kính áp tròng, hàng thời trang. Các sản phẩm này ghi xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc.

Theo KDN


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang