Năm 2013: Bất động sản còn giảm giá, thanh khoản yếu

author 08:54 13/01/2013

(VietQ.vn) - Giá của bất động sản (BĐS) cả dạng hoàn thiện thô, hoàn thiện toàn bộ, đầy đủ nội thất, chung cư thương mại, chung cư mini, văn phòng cho thuê hoặc đất nền đều giảm mạnh.

Sự kiện: Bất động sản

2 năm qua, giới kinh doanh BĐS chứng kiến một thực tế, thị trường bị thao túng bởi “cò”, giới đầu cơ làm giá khiến cho giá cả bị đội lên một cách khác thường. Người có nhu cầu thực sự thì không với tới được vì giá nhà đất quá cao.

Gần đây, thị trường lại chứng kiến những động thái mới, nhất là việc, liên tục lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các bộ, ngành… ủng hộ phát triển, cứu vãi tình thế của thị trường BĐS. Thậm chí, có tính tới phương án, tung gói tiền khổng lồ để cứu bất động sản.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc cứu bất động sản là không nên bởi đó là “lỗi” của doanh nghiệp, giới đầu cơ sau chuỗi thời gian họ thổi phồng, làm giá. Có thời điểm, giá nhà đất ở Việt Nam liên tục được đẩy lên “hót”, thậm chí có lúc, đất ở một số thành phố, trong đó có Hà Nội, được mệnh danh là “đắt nhất hành tinh”.

<br>
Nhiều khu biệt thự liền kề, giảm giá, ế ẩm, không có người mua nhiều năm nay. Ảnh minh họa

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu như cơ quan chức năng cứu họ, không để cho BĐS tự vận động theo xu thế thị trường, tự tìm hướng ra cho chính mình thì kịch bản “cứu vãn” rất có thể không chỉ làm một lần. Hơn nữa, không phải các doanh nghiệp bất động sản không tìm được hướng đi cho mình để giải thoát các gánh nặng, các khoản nợ và làm cho thị trường thanh khoản tốt hơn.

Điều này được chứng minh bằng việc, vừa qua đã có một số dự án nhà chung cư thương mại như Đại Thanh, Phúc Thịnh… chào giá hợp lý và tính thanh khoản đã rõ ràng hơn.

Đặc biệt, tại dự án chung cư Đại Thanh (Thanh Trì), chỉ 3 ngày sau khi mở bán, hàng trăm căn hộ đã hết “veo”, nhiều nhà đầu tư tiếc nuối về không.

Còn vào khoảng tháng 11/2012, dự án chung cư Phúc Thịnh (Từ Liêm) được đưa ra thị trường, tuy giá được cho là có nhỉnh hơn so với ở Đại Thanh nhưng sau hơn 1 tháng mở bán, số căn còn chưa bán chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Các khu chung cư ế ẩm do chủ đầu tư và kênh môi giới kê giá, quá cao so với khả năng thanh toán của người có nhu cầu. Ảnh minh họa

Trong những cuộc họp báo, nhận định thị trường, cả hai doanh nghiệp “ngoại” nghiên cứu thị trường BĐS có kinh nghiệm, uy tín nhiều năm là CBRE và Savills Việt Nam đều cho rằng, năm 2013, thị trường BĐS vẫn rất u ám. Kịch bản chung được hai doanh nghiệp này đưa ra là giá BĐS tiếp tục sụt giảm ở tất cả các phân khúc từ biệt thự, biệt thự liền kề đến các loại căn hộ, đất nền...

Theo phân tích của CBRE, năm 2012 ghi nhận bức tranh của nền kinh tế Việt Nam dần đi vào ổn định và Chính phủ đã có một số giải pháp hỗ trợ khá tích cực, giảm bớt khó khăn cho thị trường BĐS.

Tuy nhiên, CBRE cho rằng, vẫn còn khá nhiều vấn đề xấu đang khiến thị trường BĐS đối mặt với nhiều khó khăn như thị trường lao động suy giảm (tỉ lệ thất nghiệp tại HN là 4,8%- tăng 0,3% so với cùng kỳ); hàng tồn kho lớn, trong đó tồn đọng trong XDCB ước khoảng 90 ngàn tỉ đồng, nợ xấu liên quan đến BĐS tăng cao, cỡ khoảng 5 tỉ USD... Những thách thức trên khiến thị trường BĐS nói chung và nhà ở nói riêng tiếp tục suy giảm.

Tương tự như CBRE, phía Savills Việt Nam cũng cho rằng, giá chào bán thứ cấp trung bình giảm ở hầu hết các quận. Sự suy giảm này phụ thuộc vào các yếu tố chính như vị trí, tiến độ xây dựng, và giá chào bán sơ cấp của từng dự án, trong đó trên địa bàn Hà Nội, quận Từ Liêm ghi nhận mức giảm lớn nhất, giảm 9% so với quý trước, tiếp theo đó là các quận Đống Đa (giảm 4%) và Ba Đình (giảm 5%). Cũng theo khảo sát của Savills, tỉ lệ giao dịch vẫn ở mức thấp, người mua chủ yếu mua căn hộ hạng thấp, phân khúc này chỉ chiếm 10% trong tổng số cung căn hộ trên thị trường.

Ông Trần Như Trung - Phó GĐ Savills Việt Nam cho rằng, vừa qua, rất nhiều các đề xuất tháo gỡ khó khăn đã được đưa ra như giảm lãi suất, giảm thuế, chuyển đổi mục đích dự án... Tuy nhiên, cho dù những biện pháp này có thực thi ngay thì phải giữa năm 2013 mới có hiệu lực, do đó, thị trường năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng theo các chuyên gia của CBRE, người mua nhà vẫn chưa vội thực hiện giao dịch do tâm lý kỳ vọng giá giảm thêm. Chính vì vậy, bước sang năm 2013, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục giảm giá chào do áp lực cạnh tranh, nhưng mức giảm phải lên tới 30-50% mức giá chào ban đầu mới hy vọng phát huy tác dụng. Dự đoán của CBRE cho rằng, giá chào thứ cấp tiếp tục giảm 10%, tiếp nối mức giảm 15% trong năm 2012.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang