Năm 2014, bao nhiêu công chức, viên chức sẽ phải ra đi?

author 11:58 06/01/2014

(VietQ.vn) - Trước thông tin hàng loạt công chức, viên chức không làm được việc sẽ phải ra đi, dư luận đặt câu hỏi tỷ lệ này lên tới 30% hay chỉ 1%?

Theo kế hoạch, tới quý III/2014, Bộ Nội vụ phải hoàn chỉnh dự thảo Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trình Thủ tướng. Xung quanh vấn đề này, TS. Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, có cuộc trao đổi với PV báo Chất lượng Việt Nam.

Ông Ngô Thành Can - Phó Trưởng khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia

Trước diễn đàn QH, nếu như ĐBQH đặt vấn đề có tới 30% công chức “sang cắp ô đi tối cắp ô về” thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại cho biết, tỷ lệ công chức không làm được việc chỉ 1%! Vậy theo ông, nhận định của Bộ trưởng có cơ sở không?

Con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” được khẳng định lại là “có dư luận nói như thế”. Nghĩa là con số không chính thức, là con số ước đoán. Như vậy, công bố chính thức thì không ai lại dùng con số “dư luận” và ước đoán cả. Mặc dù ai cũng biết con số đó là đúng!!!

Về con số 1%, ngay sau phát biểu của mình, ông Bộ trưởng cũng không ngờ nó lại gây sóng gió ghê gớm trong cả nước đến thế. Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư cũng thấy rằng con số phần trăm này phải là 2 con số.

Tôi khẳng định, con số của ông “Thượng thư Bộ Lại” là có cơ sở của nó vì đến cái chức này không thể nói không có cơ sở được. Con số này là con số báo cáo từ cấp dưới tổng hợp để báo cáo lên cấp trên, theo đúng hướng dẫn của trên về đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.

Ta thấy rõ các cơ quan báo cáo tổng kết có thấy ai không làm được việc đâu, toàn thấy hoàn thành nhiệm vụ trở lên, “hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc” cả, nhiều đến mức mà các cơ quan phải khống chế mức hoàn thành nhiệm vụ “tiên tiến xuất sắc” là 75% thôi. Vậy thì con số báo cáo có 1% là những đồng chí đã “bị lộ”, đã mắc khuyết điểm, vi phạm đến mức không thể bình bầu cao hơn được!

Tinh giản biên chế công chức, viên chức, ai sẽ là người ra đi? (Ảnh minh họa)

Nói về số lượng công chức phải ra đi, trong một lần trả lời báo chí, đại diện lãnh đạo Bộ Nội Vụ cũng từng tuyên bố: hệ thống cơ quan công quyền vốn được tổ chức chặt chẽ như một bộ máy, nếu bây giờ cắt giảm thì bộ máy sao có thể vận hành được! Anh nghĩ sao về quan điểm này? 

Rõ ràng, về lý thuyết “cái gì con người làm ra thì con người cũng thay đổi được”. Còn khi thiết kế hệ thống các cơ quan công quyền thì bao giờ cũng là ưu việt, chặt chẽ cho đến thời điểm đó. Ví dụ, thời nhà Nguyễn các cụ thiết kế “Lục Bộ”, thì có nghĩa là lúc đó chỉ cần 6 Bộ là đủ rồi. Thời những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta có trên 70 cơ quan trực thuộc Chính phủ, còn hiện nay thì ít hơn, có trên 20 cơ quan tổ chức thôi. Có quốc gia “lớn hơn” ta chỉ có 14 hay 16 bộ thôi.

Việc tổ chức hệ thống các cơ quan công quyền luôn thay đổi như trong công tác cải cách hành chính chúng ta có một hoạt động lớn là cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Việc tổ chức hệ thống này không cứng nhắc, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: quan điểm của các nhà lãnh đạo, tính lịch sử, thực trạng, tương lai, các công việc phải đảm trách và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy.

Trước thực trạng này, ông  có kỳ vọng  vào chính sách  tinh giản biên chế? Khi đi vào thực hiện, liệu có mang lại hiệu quả thực sự hay chỉ là hình thức làm cho có…. 

 Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về tổ chức bộ máy nhà nước, sau khi sáp nhập một số bộ thì việc thành lập nhiều tổng cục và cục thuộc bộ lại tăng lên, về hình thức là giảm số bộ nhưng thực chất không giảm số đơn vị trực thuộc và cũng không giảm về biên chế; theo số liệu thống kê thì biên chế tăng trong cả hệ thống từ trung ương đến địa phương.

Số lượng công chức, viên chức được tuyển dụng tăng dần qua từng năm, đặc biệt là việc tuyển dụng viên chức trong những năm qua tăng lên rất nhanh, làm cho mục tiêu tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước không thực hiện được. Cụ thể, số cán bộ, công chức nghỉ chế độ, chính sách trong 03 năm từ 2010 - 2012 là hơn 28.100 người, so với số tuyển mới là hơn 63.300 người.

Nhiều người ví von, giảm biên chế như bóp quả bóng, bóp chỗ này nó phòi ra ở chỗ khác. Chúng ta đã thực hiện giảm biên chế từ nhiều thập kỷ nay, nhưng kết quả chưa cao. Muốn giảm được biên chế phải thực hiện một quy trình quản lý sử dụng cán bộ công chức hợp lý hiện đại.

Người đứng đầu trong cơ quan tổ chức công lập phải thể hiện vai trò, trách nhiệm như thế nào để việc thực hiện tinh giản biên chế trong đơn vị mình quản lý có hiệu quả?

Vấn đề lớn là chủ trương, đường lối, chính sách, nhưng cụ thể đối với từng cơ quan thì người đứng đầu có một vị trí quan trọng trong quản lý, sử dụng cán bộ công chức. Cán bộ của chúng ta theo nhiệm kỳ, mà theo nhiệm kỳ để quản lý hành chính thì hay có tình trạng “tư duy theo nhiệm kỳ”. Nghĩa là trong nhiệm kỳ làm sao cho có dấu ấn, cho tốt, còn anh nào làm sau thì lo việc sau. Vì thế, tầm nhìn thường bị giới hạn, tính chiến lược chưa cao.

Chúng ta thường cho rằng người lãnh đạo phải có Tâm, Tầm, Tài và không Tham. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao cho người đứng đầu cơ quan có Tâm, có Tài, có Tầm, không Tham mà không phải chạy chọt, xin xỏ, làm gian, nói dối thì mới có cơ hội tiến lên được.

Thực hiện tinh giảm biên chế phải có sự phân quyền nhất định cho người đứng đầu. Người sử dụng công chức phải có trách nhiệm trong tuyển dụng, đánh giá, quản lý công chức. Trong quản lý sử dụng công chức càng có ít đầu mối tham gia chỉ đạo càng tốt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về số người họ tuyển, sử dụng, đánh giá.

Theo Khampha



 

 

 Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang