Năm 2015, tỷ giá tăng không quá 2%: Chuyên gia nói gì?

author 11:41 29/12/2014

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đưa ra mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong năm 2015 tăng không quá 2%, theo ý kiến một số chuyên gia, điều này có thể thực hiện được.

NHNN đề ra mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong năm 2015 tăng không quá 2%. Ảnh minh họa

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối tại Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng mục tiêu này là khả thi trong năm 2015.

Trong năm 2014, cán cân thanh toán của Việt Nam được dự đoán thặng dư khoảng 11-12 tỉ đô la Mỹ, trong đó bao gồm những yếu tố tích cực như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và gián tiếp (FII), thặng dư thương mại đến cuối tháng 11 là hơn 2,5 tỉ đô la Mỹ, kiều hối dự đoán khoản trên dưới 10 tỉ đô la Mỹ. Do đó, theo ông Khoa, với nền kinh tế dần vào ổn định và ngày càng tích cực, thì những yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong năm 2014 như trên sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2015.

Theo dự báo gần nhất thì cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2015 có thể vào khoảng 8-9 tỉ đô la Mỹ, do đó nhìn chung về mặt cung - cầu đô la Mỹ trong năm tới không có gì phải lo ngại. Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, có thể có những biến động do nhu cầu đột biến hoặc do những biến động nhất thời của thị trường, khi đó NHNN sẽ có những biện pháp và chính sách hợp lý để can thiệp kịp thời giúp thị trường ổn định, ông Khoa cho biết.

Khi được hỏi liệu việc neo chặt tiền giá đồng với đô la Mỹ vốn đang tăng giá có khiến hàng hoá Việt Nam đắt lên và mất lợi thế về giá trong xuất khẩu, ông Khoa cho biết, trên thực tế có rất nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về việc điều hành tỷ giá thế nào để hỗ trợ xuất khẩu, và cũng có những quan ngại nếu làm vậy thì mặc dù tăng trưởng xuất khẩu nhưng không đem lại kết quả tích cực về thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, do Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc để sản xuất những sản phẩm xuất khẩu, do đó khi điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm mạnh giá trị tiền đồng thì chí phí nhập khẩu sẽ tăng mạnh, tác động đến giá thành sản phẩm, và lạm phát của quốc gia. Trong khi đó, vẫn chưa thể định lượng một cách rõ ràng khi điều chỉnh tỷ giá như vậy thì tác động đến xuất khẩu và nhập khẩu là bao nhiêu, lợi hại thế nào.

“Bên cạnh đó, việc chúng ta có thể thấy rõ nhất khi phá giá tiền đồng là nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, thay vì điều chỉnh tỷ giá theo những đề xuất vừa trình bày, NHNN đã định hướng và điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt, giúp tỷ giá điều chỉnh trong biên độ thích hợp không gây tác động tâm lý tiêu cực," ông Khoa nói.

Ông Khoa dự báo tỷ giá đồng/đô la Mỹ sẽ tiếp tục ở mức ổn định trong ngắn hạn. Việc đô la Mỹ tăng giá so với tiền đồng vào dịp cuối năm 2014 như hiện nay là hiện tượng thường xảy ra hàng năm khi các doanh nghiệp xuất khẩu tiến hành thanh toán các khoản vay, các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước và các doanh nghiệp nhập khẩu trả tiền hàng tạo áp lực về nhu cầu đối với đô la Mỹ và từ đó tác động lên tỷ giá. “Tôi nghĩ qua dịp Tết, thị trường sẽ ổn định hơn”, ông Khoa nói.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) cũng nhận định mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2% đề ra trong năm 2015 là khả thi. Bởi lẽ, tài khoản vãng lai, trong đó có tài khoản thương mại (xuất nhập khẩu) của Việt Nam trong năm 2015 được dự báo tiếp tục thặng dư như những năm gần đây, trong khi trước đó Việt Nam luôn thiếu ngoại tệ do thâm hụt thương mại. Ngoài ra, lạm phát trong năm tới được dự báo ở mức tương đối thấp, lãi suất thực tế (lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) vẫn dương, nên tiền đồng tương đối ổn định.

Thêm vào đó, một trong những vấn đề lớn hiện nay là, đồng đô la Mỹ đang mạnh lên so với đồng tiền nhiều nước, đặc biệt so với đồng euro, nên nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán tài sản ở một số thị trường mới nổi và cận biên (nước có nền kinh tế phát triển hơn những nước ít phát triển, nhưng chưa được xem là thị trường mới nổi – PV ).

Do đó, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng trên thị trường vốn, vì có khả năng nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản của họ là cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường Việt Nam và chuyển đô la Mỹ về nước, ảnh hưởng đến tỷ giá đồng/đô la Mỹ.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, khả năng nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu và cổ phiếu để rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam trong năm 2015 là không lớn. Bởi vì, trái phiếu Việt Nam vẫn hấp dẫn khi mới đây Việt Nam được tăng hạng về mức độ tín nhiệm của nhà phát hành trái phiếu; lãi suất thực của thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn so với các loại trái phiếu của một số nước khác; và kinh tế Việt Nam vẫn ổn định. Trên thực tế, vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn mua trái phiếu Việt Nam. Ngoài ra, giá dầu giảm, lãi suất ngân hàng thấp, và kinh tế ổn định có thể giúp các công ty Việt Nam có lợi nhuận tốt trong năm tới.

Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, trong quí 4-2014, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4.000 tỉ đồng (gần 200 triệu đô la Mỹ) trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bằng với mức mua ròng của cả ba quí đầu năm cộng lại, theo đó đã tác động đến tỷ giá đồng/đô la Mỹ trong quí 4 năm nay. Trong đó, việc Ngân hàng Nhà nước hôm 20-11 ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực 1-2-2015) giới hạn tỷ lệ sở hữu trái phiếu chính phủ của các chi nhánh và ngân hàng nước ngoài đã khiến một số ngân hàng nước ngoài bán trái phiếu. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn tương đối ổn định.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang