Năm 2018, Việt Nam sẽ tự sản xuất đủ vắc xin

author 09:47 28/09/2013

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Kim Tiến cho hay, năm 2018, Việt Nam sẽ chủ động sản xuất đủ số vắc xin trong nước cần.

Vắc xin có lỗi hay không?

Bộ Y tế vừa có cuộc họp với các cơ quan chức năng về vấn đề vắc xin.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các địa phương hoàn thành sớm công tác thanh kiểm tra các điểm tiêm chủng, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở kỷ luật đối với đơn vị làm chậm hoặc chưa triển khai. Không để xảy ra các trường hợp phản ứng sau tiêm do lỗi thực hành dẫn đến mất niềm tin của người dân.

Vắc xin Việt Nam tự sản xuất

Rất ít nước nghèo có thể tự sản xuất được vắc xin như Việt Nam

Bộ trưởng phân tích, việc tiêm vắc xin viên gan B sớm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh là hết sức cần thiết tránh lây nhiễm vi rút cho trẻ, giảm nguy cơ nhiễm viêm gian B mãn tính, ung thư gan sau này. Sử dụng vắcxin là chính sách ưu tiên trong y tế công trên thế giới. Hiện nay, đã có hơn 190 nước triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hằng năm, khoảng 85% trẻ em trên thế giới được tiêm chủng phòng các bệnh, lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà và sởi. Tiêm vắc xin phòng các bệnh này đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em mỗi năm. Nhờ sử dụng vắcxin dự phòng, nhiều bệnh truyền nhiếm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết như: bệnh đậu mùa đã được thanh toán vào năm 1979, 2/3 số nước đang phát triển đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, số ca mắc bại liệt giảm từ 300.000 trường hợp/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 2.000 trường hợp năm 2002, số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 6 triệu trường hợp/năm xuống còn dưới 1 triệu trường hợp/năm, số mắc ho gà giảm từ 3 triệu trường hợp/năm xuống chỉ còn dưới 250.000 trường hợp.
 
Thời gian tới, để thực hiện tốt, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về tiêm chủng. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tục tiếp bố trí nguồn lực, chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tiêm chủng, thanh tra, kiểm tra, truyền thông về lợi ích của vắcxin và những rủi ro có thể gặp phải.

Sở y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục thanh tra, kiểm tra, tổ chức tập huấn về an toàn tiêm chủng, khám sàng lọc, điều tra phản ứng sau tiêm. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục hỗ trợ, giám sát về kỹ thuật cho các khu vực, tỉnh và tập huấn cho thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh, thành phố. Các Vụ/Cục trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động trong phạm vi được giao thực hiện.


Tại cuộc họp, GS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế khẳng định việc làm tốt công tác tiêm chủng sẽ mang lại niềm tin của người dân. Chỉ cần một điểm tiêm chủng không tốt có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Vì vậy vấn đề hậu kiểm hết sức quan trọng.

Năm 2018 sẽ không còn phải nhập vắc xin?


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: “Đây là đợt tổng huy động, đánh giá nhằm đảm bảo không xảy ra các trường hợp tai biến đáng tiếc. Công tác tập huấn cần tiếp tục được thực hiện thường xuyên liên tục. Cần lên danh sách các điểm tiêm chủng dịch vụ. Các điểm tiêm tại bệnh viện sản nhi, Giám đốc Sở Y tế giao trách nhiệm cho đồng chí Giám đốc bệnh viện, Giám đốc bệnh viện trách nhiệm cho trưởng khoa Sản thực hiện tiêm chủng tại bệnh viện”.


Bộ trưởng nhấn mạnh, tại các tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh đều tham gia tham dự các điểm cầu trực tuyến cho thấy sự quan tâm đến sức khỏe trẻ em, sức khỏe của giống nòi.  Nền tảng và thành tựu 25 năm chương trình tiêm chủng mở rộng là một minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về y tế dự phòng. Vì vậy cần bảo vệ nền tảng này. Những thành tựu sau 25 năm không thể bị phủ nhận sau một số tai biến ở một số địa phương.


Bộ trưởng cho biết sau 2018, Việt Nam sẽ cố gắng sản xuất tất cả các loại vắc xin trong nước, đảm bảo tự túc nguồn cấp vắc xin.

Hồng Hạnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang