Năm 2019 sẽ không còn điệp khúc 'giải cứu' nông sản?

author 16:43 22/01/2019

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, để năm 2019 điệp khúc “giải cứu” nông sản không diễn ra cần phải làm thật tốt khâu thị trường, truy xuất nguồn gốc và liên kết sản xuất…

Năm 2019 sẽ không còn câu chuyện giải cứu nông sản?

 Họp báo Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019 diễn ra sáng nay (22/1). Ảnh Hoàng Lê.

Tại buổi họp báo Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019 diễn ra sáng nay (22/1), trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam online về giải pháp để điệp khúc “giải cứu" nông sản không còn diễn ra trong năm 2019 khi mà năm 2018 có thể thấy hàng loạt nông sản rơi vào tình trạng cần giải cứu, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, Việt Nam cần làm tốt khâu thị trường, sản xuất nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc và liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi.

Ông Toản cho rằng, để cụm từ “giải cứu" nông sản không còn xuất hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo, các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch các sản phẩm nông sản. 

Nói về thị trường Trung Quốc, ông Toản nhận định, đây không còn là “khách hàng” dễ tính nữa. Sự chuyển dịch tầng lớp diễn ra rất mạnh mẽ khi có tới 60% lượng người thuộc tầng lớp trung lưu, do đó nhu cầu sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm cũng tăng theo. “Quan điểm của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản là nông nghiệp Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch, làm ăn chính ngạch, tiêu chuẩn hóa các mặt hàng nông sản”, ông Toản cho hay.

Ngoài ra, thương mại điện tử cũng đang phát triển mạnh đến từng ngóc ngách các hộ gia đình. Vì vậy, ông Toản khuyến nghị doanh nghiệp cần tận dụng các kênh bán hàng này đồng thời hướng tới làm ăn bài bản.

Ông Toản đánh giá: “Xưa nay, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn quen với vệc sản xuất ra rồi mới chào hàng, nói cách khác là bán những những gì chúng ta có thay vì bán những gì thị trường cần. Điều này đòi hỏi cần có sự thay đổi trong tư duy và thói quen của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất”.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng hiện nay đã có sự chọn lựa rất rõ ràng, từ thực tế này người nông dân và doanh nghiệp cũng cần thay đổi theo. Chẳng hạn, người dân vẫn quen dùng thịt tươi vì cho rằng loại thịt này “sạch” và giữ nguyên các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy thịt sau khi giết chỉ vài phút đã bị nhiễm khuẩn và xu hướng dùng thịt mát đang dần hình thành.

 Hoàng Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang