Năm 2019, ứng dụng năng lượng nguyên tử vào đời sống có nhiều đột phá

author 06:10 10/01/2020

(VietQ.vn) - Theo TS. Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, trong năm 2019, lĩnh vực năng lượng nguyên tử của nước ta đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu.

Cụ thể, chúng ta đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với tổng thời gian hoạt động ở công suất danh định đạt 2900 giờ, tăng 32% so với năm 2018.

Ngày 04/4/2019, Trung tâm hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường đã được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhiệm vụ chính của Trung tâm hợp tác là sử dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong quản lý tài nguyên nước và môi trường khu vực duyên hải và lưu vực sông.

Tháng 8/2019, đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân lần thứ 13 (VINANST-XIII) tại Hạ Long, Quảng Ninh với khoảng 430 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 75 đại biểu nước ngoài. Viện đang triển khai tích cực xây dựng và quản lý vận hành Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.

Việc này góp phần bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Cơ sở ứng dụng bức xạ Đà Nẵng đã được cấp phép vận hành và đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu chiếu xạ bảo quản nông sản, thủy hải sản, giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chiếu xạ cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Cũng theo báo cáo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong năm 2019, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tiếp tục phát triển các dịch vụ quan trắc môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS. Dịch vụ phân tích tổng số mẫu phân tích đạt 3.000 mẫu với khoảng 30.000 chỉ tiêu, trong đó khoảng 75% lượng mẫu kiểm định để phục vụ cho xuất khẩu.

Kỹ sư đang vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: VNE 

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã điều chế, cung cấp các dược chất phóng xạ và kit đánh dấu cho 23 cơ sở, bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần 1 lần, với tổng cộng 1030 Ci đồng vị phóng xạ các loại được sản xuất (tăng 63% so với năm 2018); tiếp tục cung cấp 21 đợt (6,9 Ci) dược chất phóng xạ cho Campuchia, tạo điều kiện để nước bạn phát triển các khoa y học hạt nhân.

“Năm 2019, các hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ của các đơn vị trong Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam có kết quả tốt, đạt tổng mức doanh thu 315,300 tỷ đồng, tăng 10,46% so với năm 2018”, TS Phạm Quang Minh cho hay.

Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, TS Phạm Quang Minh cho biết, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đạt được thành tích nổi bật hơn so với năm 2018, đã có nhiều công bố hơn trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế với tổng số công trình là 265 (tăng 53,2% so với năm 2018).

Số công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế là 71 công trình (tăng 26,7% so với năm 2018), trong đó có 57 công trình đăng trên các tạp chí ISI (tăng 18,7% so với năm 2018) có Impact Factor cao như Nature, Physical Review Letters, Physics Letters B, Physical Review C, Physical Review D, Nuclear Physics A, Nuclear Science and Engineering, Nuclear Engineering and Design, Nuclear Engineering and Technolog, J. Environmental Management, Polymer…

Đặc biệt trong năm 2019, TS. Lê Xuân Chung, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cùng các đồng nghiệp quốc tế đã công bố công trình “78Ni revealed as a doubly magic stronghold against nuclear deformation” trên tạp chí Nature - tạp chí uy tín hàng đầu của khoa học với chỉ số ảnh hưởng rất cao IF = 41,577. Công trình quốc tế này đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao giải thưởng đặc biệt.

Bảo Lâm

Nasa kích hoạt đồng hồ nguyên tử Deep Space mở đường lên sao Hỏa(VietQ.vn) - Đồng hồ nguyên tử Space Deep ra mắt vào tháng 6 và cuối cùng đã được kích hoạt vào ngày 23 tháng 8.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang