Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'IoT làm những vật vô tri cất tiếng nói'

author 06:26 25/10/2018

(VietQ.vn) - “IoT giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo. IoT làm thế giới thông minh hơn, những vật vô tri sẽ cất tiếng nói' - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Phát biểu tại Hội thảo “Đảm bảo an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên Internet vạn vật (IoT)” diễn ra tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, IoT là công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.  Và lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, những vật vô tri vô giác cũng có thể cất tiếng nói giao tiếp với nhau và với con người.

“Chúng ta đã quen với thế giới 7 tỷ người, nhưng hàng ngàn tỷ sự vật thì quả thật chưa tưởng tượng được. Đây là cơ hội to lớn cho những ai chấp nhận một thế giới khác biệt, dám làm chủ và đi đầu. Một cách nhìn khác biệt, rất Việt Nam sẽ giúp Việt Nam đi đầu về IoT”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đã chuẩn bị nền tảng cho kết nối IoT, đó là chiến lược đến năm 2020 về cơ bản mỗi hộ gia đình sẽ có đường truyền cáp quang, mỗi người dân có một điện thoại thông minh và hạ tầng 5G phủ rộng.

Theo chiến lược của Bộ TT&TT, đến năm 2020, mỗi người dân sẽ có một điện thoại thông minh và hạ tầng 5G phủ rộng. Ảnh: báo Lao động

Về tương lai sản xuất các thiết bị IoT, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhận định rằng, ngành công nghiệp này còn lớn hơn ngành sản xuất điện thoại di động, với hàng ngàn tỷ thiết bị. Do Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội sản xuất thiết bị dân dụng như điện thoại di động nên cần phải nắm bắt cơ hội với các thiết bị IoT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm, IoT sẽ tạo ra rất nhiều dữ liệu và là cách để chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo và làm con người sáng tạo hơn. Khi đó toàn bộ thế giới được ảo hóa, quá trình sáng tạo, thiết kế sản phẩm mẫu, thí nghiệm sẽ được thực hiện trong thế giới ảo. Do đó sẽ nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn khi thực hiện trong thế giới thực.

“IoT giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo. IoT làm thế giới thông minh hơn, những vật vô tri sẽ cất tiếng nói, các con đường trong nội đô có thể nói rằng tôi còn chỗ trống và bạn có thể “parking” (đậu xe)", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng diễn giải.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương cũng nhấn mạnh cần quan tâm đến vấn đề then chốt là đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong phát triển IoT.

Mặt khác, sự phát triển IoT Việt Nam đặt ra yêu cầu tiếp cận mới về an toàn dữ liệu khi các thiết bị kết nối với nhau rộng khắp, các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Điều này liên quan đến cả nền công nghiệp, từ nhà chế tạo chip, nhà sản xuất thiết bị đến những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng.

Một số chuyên gia cho rằng, muốn phát triển IoT tại Việt Nam, việc đầu tiên cần làm là phải có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách trong phát triển IoT. Tuy nhiên, cách tiếp cận IoT chỉ đơn thuần là công nghệ vẫn chưa đầy đủ và toàn diện, các doanh nghiệp cần định hình rõ quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ nhằm giúp thay đổi chính sách và cuộc sống người dân. Dưới góc độ công nghệ, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh.

Bảo Lâm

Lộ diện những dự án tiêu biểu góp mặt tại vòng chung kết IoT Startup 2018(VietQ.vn) - Sau hơn 4 tháng phát động cuộc thi IoT Startup 2018, ban tổ chức đã chọn ra các dự án xuất sắc tham gia vòng chung kết.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang