Năm 2020: Việt Nam cần quan tâm hơn tới quy định xuất xứ hàng hóa

author 06:21 10/01/2020

(VietQ.vn) - Việt Nam cần nhận thức và quan tâm thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa, tránh để rơi vào tình trạng bị đánh giá là lợi dụng căng thẳng thương mại trên thế giới để cạnh tranh không công bằng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra, năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Dự báo về tình hình kinh tế năm 2020, TS. Võ Thị Vân Khánh, Học viện Tài chính cho biết, năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm tới 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030…

Về thuận lợi, Việt Nam tiếp tục có sức hút đầu tư mạnh ở khu vực do đang đứng ở vị trí thứ 8 (tăng 15 bậc so với năm 2018) trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019 theo báo cáo của U.S.News & World Report. CMCN 4.0 và sự góp mặt của các FTA như CPTPP, EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư, ứng dụng KHCN, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Việt Nam cần quan tâm hơn tới quy định xuất xứ hàng hóa năm 2020. 

Tuy nhiên, TS.Võ Thị Vân Khánh cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2020 với nhiều thách thức lớn. Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới. Kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều áp lực của kiểm soát độc quyền kinh tế, bảo vệ quyền lợi người lao động, tăng cường bảo vệ an sinh xã hội, tình trạng chuyển giá, né và trốn thuế, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, tội phạm buôn lậu núp bóng công ty trong cho vay nặng lãi và buôn ma túy…

Đáng chú ý, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào vốn (tỉ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỉ lệ lớn (trên 55%). 

“Cùng với đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ, trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới”, TS.Võ Thị Vân Khánh lưu ý.

Từ đó, bà Khánh cho hay về một số giải pháp, trong đó cần phát triển nguồn lực con người, tăng cường giáo dục thực chất từ các cấp độ để đào tạo kỹ năng mà các thị trường yêu cầu, trong đó, đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ, tạo thêm nguồn lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước; Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước và thể chế; tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế có khả năng kháng chịu với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng.

Đặc biệt, Việt Nam cần nhận thức và quan tâm tới thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa, tránh để rơi vào tình trạng bị đánh giá là lợi dụng căng thẳng thương mại trên thế giới để cạnh tranh không công bằng.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), để các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu ngoài việc tạo ra sản phẩm có thương hiệu, có chất lượng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, cần tham gia các sự kiện kết nối, chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần tạo hồ sơ năng lực hấp dẫn, cải tiến năng suất, giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh sản phẩm bằng giá và chất lượng…

Tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp(VietQ.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang