Năm Kỷ Hợi nói về chuyện ‘nuôi heo đất’

author 07:03 06/02/2019

(VietQ.vn) - Dịp Tết, người dân mua heo đất về đựng tiền với mong ước một năm sung túc, an nhàn và rước lộc đầu xuân. Bên cạnh đó, heo đất còn nhắc nhở mọi người quản lý tài chính khoa học hơn trong năm mới.

Tết đến lại nhớ heo đất

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bên cạnh những cành đào, cành mai, chậu quất ngoài đường phố, gian hàng đồ chơi không thể thiếu những chú heo đất. Hình ảnh đó gợi lại ký ức tuổi thơ trong mỗi con người. Con heo đất được các nghệ nhân tỉ mỉ nhào nặn, chế tác với kích thước khác nhau, từ loại to đến loại nhỏ. Hình dạng heo đất cũng sinh động với con đứng, con ngồi. Dù heo đất có nhiều màu sắc nhưng theo quan niệm của người Việt, năm mới mua heo đất màu vàng sẽ đem đến tài lộc; màu đỏ biểu tượng cho sự may mắn.

Heo đất là đồ vật được người Việt đựng tiền tiết kiệm, đặc biệt dịp đầu năm với mong muốn sung túc, đủ đầy. Ảnh: T.N 

Đối với trẻ nhỏ, mỗi khi Tết đến Xuân về đều mong muốn có một con heo đất đựng tiền lì xì Tết. Chúng thường khoe nhau con heo to, con heo đựng được nhiều tiền. Thế nên, khi nhắc tới Tết, lũ trẻ lại nhớ đến heo đất. Từ đó trở đi, heo đất không chỉ là đồ chơi mà trở thành người bạn thân của mỗi trẻ nhỏ. Chúng thể hiện nỗi niềm, ước mơ tuy nhỏ nhưng đối với những đứa trẻ là cả giấc mơ mỗi khi tết đến Xuân về.

Thói quen “nuôi heo” trường tồn qua thời gian

Tại sao có nhiều con vật, người dân vẫn chọn con heo đất để bỏ tiền tiết kiệm? Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Loan, làng gốm sứ truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), người có hơn 20 năm kinh nghiệm cho rằng, con heo biểu tượng cho sự sung túc, no đủ. Người dân bỏ tiền tiết kiệm vào con heo với mong muốn gặp nhiều may mắn và đủ đầy.

“Trong 12 con giáp, con heo biểu tượng cho sự phồn thực, sự nhàn nhã và sung túc. Hơn nữa, hình ảnh con heo còn biểu tượng về tài chính. Ngoài đời thực, khi nhìn con heo đất, chúng ta thấy khuôn mặt heo bụ mẫm, bụng to… và theo quan niệm của người Việt, như vậy sẽ đựng được nhiều tiền tiết kiệm. Vì thế, người dân thường chọn heo đất là vật đựng tiền, nhất là các em nhỏ trong dịp Tết”, chị Loan nói.

Nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng “phóng tác” những nét vẽ mềm mại, uyển chuyển lên chú heo đất. Ảnh: T.N 

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con heo được thể hiện sinh động qua các bức tranh Đông Hồ thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ và hạnh phúc. Hơn nữa, con heo trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng Âm ôn hòa, nhã nhặn, sinh nở đầy đàn với mong muốn sang năm mới có nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc.

Ngày nay, Heo đất không chỉ là nơi giữ tiền tiết kiệm nó còn là món quà truyền thống để nhắc nhở các thành viên trong gia đình luôn luôn phải tiết kiệm, sống cần kiệm. Đầu Xuân, tặng nhau heo đất còn để rước lộc vào nhà.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019: Heo đất được “săn lùng’’

Có mặt tại Làng gốm sứ truyền thống Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, không khí mua bán, vận chuyện đồ sứ nhộn nhịp, đặc biệt là những chuyến xe trở đầy heo đất.

Tìm đến một trong những cơ sở sản xuất gốm sứ tại làng, chúng tôi tận mắt chứng kiến những nghệ nhân miệt mài làm việc. Những khối đất như vô tri qua bàn tay tài hoa, khéo léo đã trở thành những chú heo đất đẹp mắt, đa dạng kiểu dáng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Loan cho hay, để làm những sản phẩm đẹp mắt, mọi công đoạn đều phải tỉ mỉ, tập trung cao độ. Riêng mặt hàng heo đất, công đoạn trộn đất sét quan trọng nhất. Người thợ pha chế nước, đất tổng hợp (nhiều loại đất khác nhau với tỉ lệ phù hợp) sau đó dùng máy trộn đều. Khi đất kết dính đủ độ sẽ đưa vào khuôn đúc. Sau khi đúc khuôn, bó chặt trong khoảng 2,3 giờ sẽ bỏ ra phơi ngoài trời trong vòng 1,2 giờ. 

Những chú heo đất khi chưa được trang trí. Ảnh:T.N 

Công đoạn tiếp theo là cạo, lau sạch đất thừa trên lợn. Bởi khi đúc khuôn, trên thân con lợn sẽ có những vết xù xì do khuôn đúc tạo ra. Họ dùng dao cạo sạch lớp đất thừa đó và rửa lại sạch bằng nước. Sau đó, người thợ chuyển những chú heo đất trắng qua bộ phận vẽ trang trí. Bằng các loại bột màu pha sẵn, sự sáng tạo, các nghệ nhân “phóng bút” tạo nên những chú heo đất đẹp mắt. Nếu công đoạn vẽ được cho là khó và kì công vì nó quyết định hình thức của sản phẩm thì quá trình nung quyết định chất lượng sản phẩm.

Những chú heo đất sau khi vẽ sẽ được bỏ vào lò nung với nhiệt độ 1.200 độ C trong vòng 12 tiếng. Công đoạn này kết thúc cũng là lúc các công nhân sắp xếp heo đất ngăn nắp vào từng xọt có rơm và vận chuyển tới các cơ sở sỉ, lẻ trên khắp tỉnh thành. Hiện giá Heo đất dao động từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng; riêng giá sỉ lẻ từ 15.000 đồng đến 60.000 đồng.

Người dân ở khu làng bộc bạch, năm nay là năm Kỷ Hợi nên nhu cầu mua heo đất cao hơn hẳn. Điều này giúp các mặt hàng bán ra nhiều, thu nhập của người lao động ổn định hơn.

Tuệ Tĩnh

Năm nay, cúng ông Công ông Táo vào giờ nào đẹp nhất?(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia phong thủy, giờ Tỵ năm nay là giờ hoàng đạo của ngày 23 tháng Chạp để cúng ông Công ông Táo.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang