Nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp đa cấp mới gia nhập thị trường

author 06:15 19/06/2021

(VietQ.vn) - Dự thảo mới quy định về nâng cao chất lượng đầu vào của doanh ngh, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Nghị định 40 ra đời với các quy định siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, hoạt động bán hàng đa cấp đối với người tham gia, các doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động bán hàng đa cấp; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp hoạt động minh bạch, sàng lọc những doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động bất chính, qua đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, giảm khả năng gây hậu quả về kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, các cơ quan quản lý nhận thấy một số chính sách cần được xem xét điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu quản lý. Quá trình triển khai, nhiều Sở Công Thương cũng có ý kiến đề xuất sửa đổi quy định của Nghị định 40 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định.

Nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp

Dự thảo bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm liên tục ở một quốc gia khác trên thế giới.

Quy định này nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, đảm bảo đã có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp trước khi gia nhập thị trường Việt Nam. Việc yêu cầu doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài một mặt giúp cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có cơ sở đánh giá uy tín của doanh nghiệp, một mặt cũng chọn lọc được các doanh nghiệp có kinh nghiệm quản lý tốt vì hoạt động này thực hiện thông qua mạng lưới hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.

Bổ sung quy định về tỉ lệ hoa hồng trên doanh số cá nhân

Hoạt động bán hàng đa cấp có bản chất là hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp không chú trọng bán hàng mà tập trung xây dựng mạng lưới người tham gia và tìm các cách khác nhau khiến người đó mua hàng, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới, việc mua hàng chủ yếu để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng, không chú trọng việc đưa hàng hóa đến cộng đồng. Do đó, cần có chính sách, quy định cụ thể thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, đưa hoạt động bán hàng đa cấp đi theo đúng bản chất của một phương thức phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng.

Dự thảo đã bổ sung quy định yêu cầu kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp phải đảm bảo hoa hồng, tiền thưởng của doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trên cơ sở doanh số bán hàng của cá nhân người tham gia đó phải đạt tối thiểu 20% tổng hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho người tham gia.

Quy định này buộc các doanh nghiệp phải chi trả một tỉ lệ hoa hồng nhất định cho hoạt động bán hàng của người tham gia, qua đó khuyến khích người tham gia phải bán hàng, không chỉ xây dựng mạng lưới.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp trả lời khảo sát đều cho thấy tỉ lệ hoa hồng, tiền thưởng của doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trên cơ sở doanh số bán hàng của cá nhân người tham gia đó đều cao hơn mức tối thiểu 20% tổng hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho người tham gia. Do đó, việc bổ sung quy định này về cơ bản không ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh minh họa 

Liên quan tới hoạt động kinh doanh đa cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương vừa có khuyến cáo người dân một số điều cần lưu ý khi tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam.

Theo Cục này, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được pháp luật thừa nhận và cần phải đăng ký theo quy định. Khi tham gia vào doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp sẽ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp, có ràng buộc pháp lý rõ ràng, được đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp, được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định pháp luật và được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều đối tượng không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn cố tình thực hiện dụ dỗ và lôi kéo người tham gia. Đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này là không có ràng buộc pháp lý rõ ràng, không chú trọng vào bán hàng hóa, dịch vụ mà chỉ tập trung vào tuyển dụng người tham gia, nhà đầu tư tuyến dưới để được hưởng hoa hồng theo phương thức đa cấp (như mô hình Ponzi).

Cần lưu ý, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép là trái pháp luật, thường có xu hướng lừa đảo rất cao. Do đó khi người dân có ý định tham gia vào hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thì cần lưu ý các vấn đề chính sau đây:

Đầu tiên, cần kiểm tra doanh nghiệp đang tuyển dụng đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh theo phương thức đa cấp hay chưa. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp (BHĐC) đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP (danh sách các doanh nghiệp BHĐC luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn).

Các tổ chức hay doanh nghiệp khác (không có tên trong 22 doanh nghiệp nêu trên) có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.

Hai là, lưu ý trong các giao dịch đối với doanh nghiệp BHĐC đã được cấp giấy chứng nhận. Người dân cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp BHĐC: Về mặt pháp lý, căn cứ để ghi nhận một cá nhân là người tham gia BHĐC là việc giao kết hợp đồng tham gia BHĐC với doanh nghiệp hợp pháp. Do vậy, trong mọi trường hợp người tham gia cần ký hợp đồng bằng văn bản và phải lưu giữ 1 bản chính đã ký với doanh nghiệp BHĐC để có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình hoạt động BHĐC.

Sau khi ký hợp đồng, người tham gia BHĐC được tham gia miễn phí chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm các nội dung quan trọng như: Các quy định pháp luật về BHĐC; các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động BHĐC; các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia BHĐC, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.

Cần chú ý về các chứng từ, bằng chứng giao dịch với doanh nghiệp BHĐC: Trong tất cả quá trình hoạt động BHĐC, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền, mua bán hàng hóa, người tham gia cần xác định rõ đối tượng giao dịch với mình là doanh nghiệp BHĐC chứ không phải bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác (kể cả các cá nhân là nhân viên, quản lý của doanh nghiệp BHĐC).

Do đó, tất cả các chứng từ, bằng chứng khi giao dịch cần thể hiện đối tượng thực hiện giao dịch với mình chính là doanh nghiệp BHĐC (phải có dấu xác nhận của doanh nghiệp trên các tài liệu, chứng từ hay hóa đơn giao dịch để tránh việc các doanh nghiệp này thoái thác hoặc không thừa nhận giao dịch trên khi có tranh chấp với người tham gia BHĐC).

Ba là, lưu ý các biểu hiện về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Các hành vi cấm đối với doanh nghiệp đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó phổ biến nhất là các hành vi có biểu hiện như sau:

Doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định (như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…) hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia BHĐC. Nếu không nộp các khoản phí này thì người đăng ký tham gia không được ký hợp đồng BHĐC với với doanh nghiệp;

Hoạt động của doanh nghiệp chỉ tập chung vào việc tuyển dụng người tham gia không chú trọng vào công việc bán sản phẩm hoặc mua bán hàng hóa chỉ mang tính hình thức. Nên các doanh nghiệp này thường sẽ trả cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu, lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp chứ không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.

Bốn là, kịp thời cung cấp dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC cho cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình tham gia hoặc theo dõi hoạt động của doanh nghiệp BHĐC, trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp BHĐC như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia BHĐC hãy biết cách lưu giữ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp để cung cấp cho cơ quan chức năng (Cục CT&BVNTD hoặc các Sở Công Thương địa phương) xử lý và đòi quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang