Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực hàn tại Việt Nam

author 06:43 16/05/2020

(VietQ.vn) - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một chỉ số quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam có những bước cải thiện đáng kể, phản ánh bức tranh kinh tế ngày càng đi lên của đất nước.

Những khó khăn của ngành cơ khí chế tạo

Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo vẫn chưa đạt được như những nước phát triển trên thế giới. Có rất nhiều chỉ số mà doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam cần phải cải thiện, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàn. Vậy làm thế nào để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàn Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo?

Năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các thể chế, chính sách và các nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và năng suất của một quốc gia. Nền kinh tế có phát triển bền vững và thịnh vượng hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo nói riêng đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, về công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ được kỳ vọng là có thể đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, hoặc đóng vai trò là nhà cung ứng dịch vụ, sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các dự án lớn của Nhà nước. Quá trình này sẽ thúc đẩy cho các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo trở thành trụ cột để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên hiện nay, đa số doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chưa được tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới trong doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam còn thấp. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn rất ít.

Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao.

Về hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, hàng tồn kho lớn. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, hầu hết giá nguyên liệu đầu vào của các ngành đều tăng, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Đối với ngành có tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu, phụ kiện nhập khẩu (ví dụ, sản xuất dây và cáp điện, điện tử, cơ khí…) bị ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Trong khi đó, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, nhiều doanh nghiệp phải chủ động thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng. Hàng tồn kho trong một số ngành hàng tăng cao như bất động sản, vật liệu xây dựng, nông sản…, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải đối mặt với các khoản vay lớn của ngân hàng, đến hạn trả nhưng không có nguồn thu, không còn tài sản và khả năng huy động vốn để duy trì kinh doanh, chi phí sản xuất các ngành chế biến và bảo quản rau, củ, quả tăng 123,2%; sản xuất các sản phẩm từ nhựa tăng 89,1%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 62,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 56,2%; sản xuất xi măng tăng 52,3%...

Về bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động trong các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo, theo số liệu thống kê, có tới 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Cụ thể, tiến sỹ chỉ chiếm 0,66%; thạc sỹ 2,33%; tốt nghiệp đại học 37,82%; tốt nghiệp cao đẳng chiếm 3,56%; tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp chiếm 12,33% và 43,3% có trình độ thấp hơn.

Ảnh minh họa 

Về lực lượng lao động, có tới 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật; việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm đi chất lượng công việc trong khu vực doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo, do vậy các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo càng rơi vào vị thế bất lợi.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Nhiệm vụ “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế phục vụ ngành cơ khí chế tạo” mã số 02.1/DA2-2018 thuộc dự án “Thúc đẩy hoạt động Năng suất và Chất lượng” thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” trong thời gian qua của Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức là một trong phương pháp hữu hiệu nhằm giúp những doanh nghiệp cơ khí chế tạo giải quyết những khó khăn tồn đọng trong suốt quá trình phát triển hội nhập của đất nước.

Nguồn nhân lực được đào tạo bao gồm những nhân sự quản lý kỹ thuật, người lao động trực tiếp của doanh nghiệp được đào tạo những kiến thức cần thiết để ứng dụng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp cập nhật những công nghệ mới, nâng cao trình độ quản lý và tiếp cận gần hơn nữa đến những kỹ năng và công nghệ hàn có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển doanh nghiệp.

Nhằm đáp ứng mục tiêu cung cấp kiến thức cốt lõi về đào tạo quản lý chất lượng hàn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết và nâng cao năng lực của đội ngũ nguồn nhân lực kỹ thuật hàn để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp cơ khí chế tạo, 2 năm 2018 và 2019, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã triển khai 8 khoá đào tạo, bồi dưỡng cho 320 lượt học viên với 08 nội dung khác nhau: Đào tạo thợ hàn MIG/MAG, thợ hàn TIG, Giám sát hàn bậc 1, Giám sát hàn bậc 2, Chuyên gia hàn, Đảm bảo chất lượng hàn, Phương pháp kiểm tra không phá hủy.

Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã lập kế hoạch chi tiết tổ chức các khóa đào tạo bao gồm nội dung đào tạo, thời gian và địa điểm tổ chức các khóa đào tạo. Đối tượng tham gia nhiệm vụ đào tạo là: Lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động trực tiếp của doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo.

Trong việc giảng dạy, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã ứng dụng phương pháp đào tạo mới nhằm tối đa hoá sự tiếp thu của học viên thông qua tác động của giảng viên. Hoạt động học qua trải nghiệm thực hành chia thành các nhóm học viên, các nhóm này thực hành được phần lý thuyết đã học hoặc tự phát triển theo mục đích học của mình...

Phương pháp đào tạo "Lấy học viên làm trung tâm", trong đó Dạy và Học thông qua các "hoạt động học" để học viên được "học theo cách mình muốn", "học chủ động"... học viên thực sự là trung tâm của khóa đào tạo, giảng viên đóng vai trò là người hỗ trợ, dẫn dắt để học viên "tự khám phá kiến thức".

Phương pháp đào tạo này đòi hỏi khâu chuẩn bị và tổ chức vô cùng chi tiết và khắt khe. Từ cách bố trí phòng học, lập nhóm học viên, âm thanh, ánh sáng... cho đến "kịch bản giảng dạy" chi tiết đến từng hoạt động "dạy và học". Đây là phương pháp học tập hiện đại được Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức đầu tư xây dựng để đảm bảo học viên "học được nhiều nhất" và đã chứng minh được hiệu quả của nó đối với học viên, đặc biệt là các học viên là người đã đi làm (adult learners).

Theo thống kê của Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức, qua 08 khoá đào tạo trong năm 2018-2019 với 08 nội dung khác nhau: Đào tạo thợ hàn MIG/MAG, thợ hàn TIG, Giám sát hàn bậc 1, Giám sát hàn bậc 2, Chuyên gia hàn, Đảm bảo chất lượng hàn, Phương pháp kiểm tra không phá hủy, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức với tinh thần cải tiến liên tục và muốn phát triển hơn nữa công tác giảng dạy, tổ chức đào tạo nhằm giúp học viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng, đánh giá công tác đào tạo, tổ chức đào tạo và mức độ tiếp thu của từng học viên nhằm tạo ra những khoá đào tạo tốt hơn sau này. Kết quả thu được cũng nói lên những cố gắng của Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức trong năm 2018-2019 trong việc đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo.

Cụ thể, về kết quả lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng đánh giá chỉ tiêu “công tác đào tạo”: Các thang điểm từ 1 đến 4 tương ứng với mức độ từ “Kém” đến “Tốt”. Kết quả đánh giá chỉ tiêu “Công tác đào tạo” cho thấy 18% học viên đánh giá khóa học "Tốt", 82% học viên đánh giá khóa học "Khá".

Về kết quả lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng đánh giá chỉ tiêu “Tài liệu giảng dạy”: Các thang điểm từ 1 đến 4 tương ứng với mức độ từ “Kém” đến “Tốt”. Kết quả đánh giá chỉ tiêu “Tài liệu giảng dạy” của nhiệm vụ cho thấy 70% học viên đánh giá tài liệu "Tốt", 30% học viện đánh giá tài liệu "Khá".

Về kết quả lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng đánh giá chỉ tiêu “Chất lượng giảng viên”: Các thang điểm từ 1 đến 4 tương ứng với mức độ từ “Kém” đến “Tốt”. Kết quả đánh giá chỉ tiêu “Chất lượng giảng viên” cho thấy 50% học viên đánh giá chất lượng giảng viên "Tốt", 50% đánh giá chất lượng giảng viên "Khá".

Về kết quả lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng đánh giá chỉ tiêu “Công tác tổ chức khóa học”: Các thang điểm từ 1 đến 4 tương ứng với mức độ từ “Kém” đến “Tốt”. Kết quả đánh giá chỉ tiêu “Công tác tổ chức khóa học” của nhiệm vụ cho thấy 40% học viên đánh giá công tác tổ chức "Tốt", 60% học viên đánh giá công tác tổ chức "Khá".

Về kết quả lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng đánh giá chỉ tiêu “Mức độ tiếp thu của học viên”: Các thang điểm từ 1 đến 4 tương ứng với mức độ từ “Kém” đến “Tốt”. Kết quả đánh giá chỉ tiêu “mức độ tiếp thu của học viên” của nhiệm vụ cho thấy 20% học viên đánh giá tiếp thu ở mức "Tốt", 80% học viên đánh giá tiếp thu ở mức "Khá".

Về kết quả lấy ý kiến của 320 học viên ở 8 lớp học nhằm đánh giá mức độ hài lòng đánh giá chỉ tiêu “Thời lượng của khóa học”: Các thang điểm từ 1 đến 3 tương ứng với mức độ từ “Ngắn” đến “Dài”. Kết quả đánh giá chỉ tiêu “Thời lượng của khóa học” của nhiệm vụ cho thấy 10% học viên đánh giá thời lượng khóa học là "Dài", 90% học viên đánh giá khóa học là "Vừa".

Đánh giá hiệu quả nhiệm vụ đào tạo đối với các doanh nghiệp và học viên được đào tạo

Trong những khóa đào tạo được Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức tổ chức, các học viên đều là những quản lý kỹ thuật, người lao động trực tiếp được doanh nghiệp đăng ký đào tạo để sau đó về áp dụng và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Các hiệu quả trực tiếp mà các doanh nghiệp đã phản hồi lại với Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức bao gồm: tăng doanh thu năm 2018-2019, rút ngắn thời gian tìm hiểu, áp dụng các tiêu chuẩn mới cập nhật, hiểu rõ hơn về việc cần thực hiện đúng và đủ các yêu cầu của quản lý chất lượng hàn, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi…

Đội ngũ nhân sự tham gia các khóa đào tạo là các nhân sự tại các vị trí sản xuất trực tiếp của doanh nghiệp, đã mang lại những lợi ích thiết thực giúp họ nắm bắt kịp thời kỹ thuật công nghệ mới để áp dụng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Với sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp khi áp dụng thực tế nhanh chóng những kiến thức của những học viên đã được đào tạo, biến doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Vương Thanh Phương

Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang