Nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH từ việc ứng dụng CNTT

author 14:14 08/01/2020

(VietQ.vn) - Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu: Giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí KCB BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT…

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp luôn là trụ cột lớn của cơ sở dữ liệu an sinh xã hội. Hiện đại hóa và cung cấp các dịch vụ công trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) luôn được tập trung hoàn thiện để trở thành yếu tố quan trọng nhất cho phát triển Chính phủ điện tử, hiện đại hóa quản lý và phục vụ tốt hơn cho người dân, người lao động của Chính phủ các nước. 

Ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện, phát triển và đổi mới của hệ thống BHXH Việt Nam. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan BHXH và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nắm bắt kịp thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện nay, với 90% người dân tham gia BHYT, hơn 15 triệu người tham gia BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH thì việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu: giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí KCB BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT được trang bị đầy đủ và vận hành hiệu quả.

Nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHXH từ việc ứng dụng CNTT. Ảnh minh họa. 

Hệ thống phần mềm nghiệp vụ quan trọng được thiết lập theo mô hình tập trung dữ liệu tại Trung ương để quản lý các mảng nghiệp vụ quan trọng của ngành; Đầu tư đồng bộ hạ tầng, phần mềm và cơ sở dữ liệu để cấp duy nhất một số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong Hệ thống cấp số định danh và Quản lý BHYT hộ gia đình và Thuê dịch vụ CNTT CSDL hộ gia đình tham gia BHYT.

Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, BHXH Việt Nam tiếp tục vận hành Hệ thống giao dịch điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện thủ tục hành chính tại BHXH các tỉnh, thành phố được công khai minh bạch, chuyên nghiệp đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính mà Ngành đề ra.

Tính đến hết năm 2019, toàn ngành đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 115 thủ tục xuống còn 28. Công tác cải cách hành chính toàn ngành BHXH đạt được nhiều kết quả đột phá, đã tăng cường sửa đổi, nâng cấp các phần mềm hỗ trợ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giảm thời gian kê khai, giải quyết thủ tục BHXH. Nổi bật nhất là việc phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai ứng dụng CNTT trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH được người dân đánh giá cao. Tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam tiếp tục đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng năm 2018 của 7 cơ quan thuộc Chính phủ. 

Đến nay BHXH Việt Nam đã cung cấp được 23 trong 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử là khoảng 50 triệu hồ sơ điện tử giao dịch qua mạng.

Đặc biệt, hệ thống thông tin giám định BHYT đã được đưa vào vận hành, kết nối gần 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT. Ðồng thời, ngành BHXH đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT với thông tin của 92,6 triệu dân tương ứng với 24,3 triệu hộ gia đình toàn quốc.

Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo 03 hình thức: qua bộ phận "Một cửa" tại trụ sở cơ quan BHXH, qua giao dịch điện tử (doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần) và qua dịch vụ bưu chính công ích (doanh nghiệp không phải trả phí). Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Đồng thời, đưa vào vận hành Hệ thống Một cửa điện tử tập trung để quản lý, theo dõi trực tuyến toàn bộ quy trình nghiệp vụ, từ việc tiếp nhận hồ sơ đến thụ lý giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn...

Đến nay, có trên 90% đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện thí điểm việc ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (tại Hải Dương, Hà Nội), trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng trên toàn quốc.

Đồng thời, trên nền tảng ứng dụng CNTT những năm vừa qua, ngành BHXH đang khẩn trương xây dựng hệ sinh thái 4.0 phục vụ người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ: dịch vụ tin nhắn (SMS); dịch vụ thanh toán trực tuyến; ứng dụng BHXH trên thiết bị di động; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia, cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT và dự tính mức hưởng nhằm phục vụ người dân tốt hơn); Phân tích, khai thác được lượng dữ liệu rất lớn của Ngành trên BIGDATA; thiết lập Fanpage truyền thông trên hệ thống mạng xã hội; cung cấp tất cả các dịch vụ công có thể lên cấp độ 4.

Đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018. Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang quản lý thông tin của hơn 94 triệu người dân với 06 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ của người tham gia BHYT. Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu này với các cơ quan khác, tiến tới tích hợp, đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư của quốc gia, riêng với ngành thuế, hai bên đang hợp tác trao đổi thường xuyên.

Báo cáo đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin cho Cổng/Trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước năm 2019 - Portal Security Index (PSI) vừa được Bộ thông tin và Truyền thông công bố, BHXH Việt Nam lọt top 3 về mức độ bảo đảm an toàn thông tin cho Cổng/Trang thông tin điện tử.

Em muốn được sống...(VietQ.vn) - “Em muốn được sống, muốn được có người yêu nữa…” – Em là Phương Mai – bệnh nhân trẻ nhất Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức - năm nay 15 tuổi và đã chạy thận được hơn 4 năm. Em phải nghỉ học và ở luôn nhà nghỉ bệnh viện để tiện cho việc lọc máu và truyền hóa chất.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang