Nâng cao giá trị sản phẩm từ kích cầu tiêu dùng nội địa

author 07:01 24/07/2020

(VietQ.vn) - Việc kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn do dịch Covid-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế" trong nước, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước tràn sang.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Đây là một sự sụt giảm đáng lo ngại. 

Để khắc phục tình trạng trên, theo các chuyên gia, mô hình phục hồi kinh tế hiện nay là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài. Hiện, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020...

Về tiềm năng phát triển, thị trường phân phối của Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.

Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển. Thời điểm sau dịch Covid-19, kích cầu tiêu dùng là một trong những biện pháp hiệu quả để giúp khơi thông và tái cấu trúc nền kinh tế đất nước.

Gói kích cầu lớn nhất chính là tình yêu nước, yêu doanh nghiệp Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 như hiện nay. Ảnh minh họa.

Chia sẻ về vấn đề trên, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Khi doanh nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt. Gói kích cầu lớn nhất chính là tình yêu nước, yêu doanh nghiệp Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

Đồng thời, kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn do dịch Covid-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế" trong nước, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước tràn sang.

Tuy nhiên, hiện kênh siêu thị, trung tâm thương mại mới chiếm 25% thị phần bán lẻ; thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa song doanh số một số năm gần đây bị suy giảm từ 20-30%, hạ tầng của kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức trong khi lại phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chính vì vậy, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian. Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các bộ ngành, các địa phương thì các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa.

EVFTA: Nhiều vấn đề cần cải thiện nếu muốn đón 'đại bàng'Với các doanh nghiệp, việc Việt Nam ký kết FTA với EU, thị trường có tới 27 nước với dân số có mức chi tiêu cao là cơ hội lớn. Song, vấn đề không nhỏ là liệu môi trường kinh doanh có đáp ứng được các doanh nghiệp EU?

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang