Nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam

author 06:36 16/03/2021

(VietQ.vn) - “Việt Nam không làm nổi con ốc vít”- câu nói ấy đã ăn sâu và trở thành định kiến của nhiều người. Nhưng đến nay chuyện đã… "xưa rồi diễm".

Từ không cung cấp được ốc vít đạt tiêu chuẩn cao…

Theo Báo cáo công bố mới đây của Brand Finance – hãng định giá thương hiệu của Anh, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020 với thứ hạng cải thiện từ 42 lên 33. Brand Finance đánh giá: "Việt Nam đang nổi lên là địa điểm hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc", báo cáo viết. Điều này khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam trong sân chơi khu vực và toàn cầu.

Minh chứng có thể kể đến, vào năm 2014, khi Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhiều người vui mừng vì đây là cơ hội lớn. Chỉ tính riêng sạc pin các loại, mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc, tính lãi mỗi chiếc 0,5USD, mỗi năm doanh nghiệp Việt Nam bỏ túi 200 triệu USD.

Thế nhưng, vào thời điểm đó, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam không thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Samsung, dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất, và đã phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà.

Việc thua trên “sân nhà” thời điểm năm 2014 trở thành động lực để công nghiệp phụ trợ Việt Nam nỗ lực hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm.

 

“Việt Nam không làm nổi con ốc vít”, câu nói ấy đã ăn sâu, trở thành định kiến của nhiều người. Câu chuyện không có công ty nội địa nào có thể cung cấp ốc vít đạt chuẩn cho Samsung tiếp tục tô đậm thêm con số không tròn trĩnh của công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

… đến trở thành “thanh nam châm” hút nhà đầu tư

Nhưng rồi, năm 2015, rất nhanh chóng để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Và đến nay, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Không chỉ Samsung, hiện có hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các hãng Toyota, LG, Trường Hải…

Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

 

Không chỉ về công nghệ, sản xuất kinh doanh, mà trong tất cả các lĩnh vực khác Việt Nam đã từng bước vươn lên. Từ chỗ đứng ngoài cuộc chơi, chúng ta đã chủ động tham gia, thích ứng, hội nhập, gắn kết sâu rộng vào sân chơi khu vực và toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước, có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường, là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế.

 
“Tôi tin với những gì doanh nghiệp Việt đang nỗ lực, chúng ta có thể tự tin rằng Việt Nam không chỉ làm được những gì thế giới có thể làm mà ở một số lĩnh vực, chúng ta có thể đi tiên phong, đón đầu để tự hào sản phẩm Make in Vietnam”, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT VinGroup nhận định.
 

Bên cạnh đó, việc hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ tự do hóa sâu rộng đã và đang đem lại những cơ hội và thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế đang phát triển. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 FTA, trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là CPTPP và EVFTA, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các hiệp định này đã tạo ra nhiều động lực mới cho phát triển đất nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Vị thế mới giúp Việt Nam phát triển nhanh và mạnh hơn theo hướng tích cực, từ “ký kết, hội nhập, tham gia” đến “xây dựng, định hình các quy tắc, luật lệ mới”, từ “bị động” chuyển sang “chủ động thích ứng”; từ “tuân thủ luật chơi” đến góp phần “đề ra luật chơi”... Dù ở cấp độ và hình thức nào, Việt Nam cũng được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm và thực thi nghiêm túc các cam kết, luôn luôn thể hiện thiện chí nỗ lực, nhiệt huyết, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của khu vực và trên thế giới.

Đặt mục tiêu có 25-30 sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021(VietQ.vn) - Hà Nội đặt mục tiêu có từ 25-30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2021.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang