Nâng cao hiểu biết và hạn chế nguy cơ trong phòng vệ thương mại

author 15:30 23/07/2021

(VietQ.vn) - Thời gian qua, dù đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về phòng vệ thương mại, nhưng hiện còn rất nhiều doanh nghiệp mức độ hiểu biết, kinh nghiệm về biện pháp này vẫn rất hạn chế. Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế.

Xu hướng kiện phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại (PVTM) là các công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Theo đó, PVTM bao gồm ba biện pháp là chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ được quy định tại ba Hiệp định tương ứng của WTO. Ngoài ra, các nước còn điều tra và áp dụng biện pháp chống lại các hành vi lẩn tránh ba biện pháp trên (thường gọi là biện pháp chống lẩn tránh).

Doanh nghiệp sẽ đối diện với những thách thức mới trước xu thế bảo hộ gia tăng 

Theo Cục PVTM, Bộ Công Thương, cho đến hết năm 2020, đã có 201 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu. Tính đến quý II/2021, đã có 207 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Điều đáng lưu ý, trong năm 2020, Australia nổi lên là nước kiện PVTM nhiều thứ hai (sau Hoa Kỳ) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với 7 vụ việc, bao gồm 4 vụ việc CBPG và 3 vụ việc CTC. Trong tất cả các vụ việc này, Australia đều điều tra rất nhiều chương trình trợ cấp và cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt - một biến thể khác của cáo buộc nền kinh tế phi thị trường. Ngoài ra, hiện, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất vẫn là sắt, thép các loại (chiếm 40,2% số vụ việc PVTM); nhựa và sản phẩm nhựa (chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (chiếm 10,2%); các thành phẩm từ sắt, thép (chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện, điện tử (chiếm 6,0%).

Qua các vụ việc do nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã cho thấy một số xu hướng chính. Đó là số lượng các vụ việc điều tra có xu hướng gia tăng. Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2020, số lượng vụ việc tiến hành điều tra đã bằng hơn gấp đôi số lượng vụ việc trong cả năm 2019 và dự kiến trong năm tới sẽ còn gia tăng số vụ việc. Phạm vi sản phẩm bị áp dụng các biện pháp PVTM cũng đang được mở rộng.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, có gần 60 loại sản phẩm, hàng hóa bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. So với giai đoạn trước đó (từ năm 1994-2010) có 39 loại sản phẩm hàng hóa, chủ yếu tập trung vào mặt hàng nông thủy sản và dệt may bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM, số lượng loại mặt hàng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM gần đây đã có sự mở rộng đáng kể.

Đồng thời, các vụ điều tra “kép” tăng lên. Trong đó, nếu trước đây chỉ có Hoa Kỳ thường điều tra “kép” đối với Việt Nam (điều tra cả hành vi trợ cấp và hành vi bán phá giá trong cùng một vụ việc) thì hiện nay rất nhiều nước như Ấn Độ, Canada, Australia cũng chuyển sang điều tra kép đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các cuộc điều tra này thường tạo ra gánh nặng lớn với cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan do lượng dữ liệu, thông tin phải cung cấp phải tăng lên gấp đôi trong cùng một khoảng thời gian như trước đây.

Ngoài ra, thời gian gần đây, “thị trường đặc biệt” là công cụ được nhiều nước sử dụng khi điều tra PVTM với các nước, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là một biến thể của cách áp dụng “nền kinh tế phi thị trường”, thông qua “cáo buộc” Chính phủ nước xuất khẩu tác động đến thị trường nguyên vật liệu dẫn đến việc không sử dụng số liệu do doanh nghiệp kê khai trong tính toán biên độ bán phá giá, làm biên độ phá giá bị đẩy lên cao hơn so với thực tế.

Mặt khác, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn hơn trong việc hợp tác với các cơ quan điều tra để cung cấp thông tin và trả lời bản câu hỏi.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM - nhìn nhận, PVTM là lĩnh vực khó và phức tạp, trong thương mại quốc tế, PVTM cũng là lĩnh vực phức tạp nhất, công cụ PVTM còn rất mới đối với nhiều ngành sản xuất, nền kinh tế. Thời gian qua nhận thức của doanh nghiệp trong nước về PVTM đã được cải thiện rất nhanh, thậm chí nhiều DN xuất khẩu sang thị trường lớn, thường xuyên bị áp dụng biện pháp PVTM đã dành nguồn lực thích đáng cho việc ứng phó với các biện pháp PVTM.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục PVTM, dù các cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp đã tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về PVTM nhưng hiện còn rất nhiều doanh nghiệp mức độ hiểu biết, kinh nghiệm về PVTM rất hạn chế. 

“Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh xu hướng bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM được dự báo là sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới”- ông Dũng cho hay.

Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, nhất là thực thi các FTA quan trọng với mức thuế đối với hàng nhập khẩu về thấp, có loại về 0%, khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng. Trong bối cảnh đó, Cục PVTM liên tục khuyến nghị doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, nhất là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện PVTM trong thời gian tới.

Theo ông Lê Triệu Dũng, đây là công cụ phổ biến và là yếu tố gần như bắt buộc trong môi trường kinh doanh thực tế. Vì vậy doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cũng cho rằng, hiện các ngành hàng của Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và coi đây là cơ hội tốt để nâng cao năng lực. Tuy nhiên, đây phải là một cuộc chơi công bằng. Vì vậy, rủi ro lớn nhất đó chính là hàng hóa từ nước ngoài vào cạnh tranh không lành mạnh bằng nhiều hình thức như bán phá giá, được trợ cấp…

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng ta có nhiều lí do để lo ngại. Trước thách thức hiện nay, cần hướng nhiều hơn tới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các biện pháp PVTM. Đồng thời, do PVTM luôn có sự mâu thuẫn lợi ích, vì vậy, cần có cơ chế cảnh báo sớm cho những ngành, lĩnh vực hàng xuất khẩu.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã rất cố gắng để nâng cao năng lực PVTM, nhận thức của doanh nghiệp về lĩnh vực này qua việc phối hợp với các Hiệp hội để phổ biến, cung cấp thông tin về PVTM. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng triển khai thu thập, phân tích thông tin trong nước và ngoài nước để xác định mặt hàng, doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi vi phạm. Bộ cũng chủ động nghiên cứu những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về PVTM của các nước, tình hình cải cách WTO (như Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời - MPIA); theo dõi các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để đề xuất hoàn thiện chính sách PVTM của Việt Nam phù hợp với các quy định quốc tế và thực tiễn trên thế giới.

Doanh nghiệp nên chủ động trong phòng vệ thương mại (VietQ.vn) - Để tránh những rủi ro do kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên chủ động tham gia trả lời các câu hỏi của bên điều tra, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo đúng yêu cầu… Chính sự chủ động hợp tác, tham gia của doanh nghiệp quyết định 90% kết quả của vụ điều tra.

Theo Báo Công thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang