Nâng cao kỷ luật lao động chính là nâng cao năng suất

author 08:46 08/11/2014

(VietQ.vn) - Trong lao động sản xuất nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng, duy trì kỷ luật lao động được xem là yếu tố sống còn, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho người lao động mà còn giúp tăng năng suất và hiệu quả lao động.

Các sự cố lao động chết người xảy ra mới đây đã khiến một công nhân của nhà máy tử vong, sau gần một tuần được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) hết lòng cứu chữa. 

Qua đó cho thấy, tính chuyên nghiệp, ý thức và kỷ luật của người lao động trong rất nhiều doanh nghiệp chưa được tuân thủ và chấp hành một cách triệt để. Hằng năm, số vụ tai nạn lao động và số người chết do tai nạn lao động xảy ra vẫn tăng.

Nâng cao kỷ luật lao động chính là nâng cao năng suất lao động

Nâng cao kỷ luật lao động chính là nâng cao năng suất lao động

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2013, cả nước đã xảy ra 6.600 vụ tai nạn lao động, khiến 627 người chết, 1.500 người bị thương tích nặng nề, thiệt hại hơn 72 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày, xảy ra gần 20 vụ tai nạn lao động và gần 1,5 người chết vì tai nạn lao động. Tuy nhiên, đây chắc chắn chỉ là "phần nổi của tảng băng". Riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mỗi ngày trung bình tiếp nhận từ 10 đến 20 trường hợp bị tai nạn lao động ở các mức độ thương tích khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng. Và bên cạnh việc một số doanh nghiệp sử dụng lao động không quản lý chặt chẽ, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thì nguyên nhân cơ bản do chính người lao động đã hết sức chủ quan, không tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn và kỷ luật lao động.

Trong lao động sản xuất nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng, duy trì kỷ luật lao động được xem là yếu tố sống còn, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn cho người lao động mà còn giúp tăng năng suất và hiệu quả lao động. Tại những quốc gia phát triển, bí quyết thành công của họ có thể gói gọn trong ba chữ: kỷ luật cao.

Điều 82, Bộ luật Lao động quy định rõ: "Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh thể hiện trong nội quy lao động". Quy định là vậy, nhưng thực tế ở nước ta, nhiều doanh nghiệp vẫn hết sức "đau đầu" do ý thức và tác phong làm việc của người lao động rất kém. Hiện, lao động phổ thông làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường phần lớn xuất thân từ nông thôn, quen với nếp làm việc tự do, thường xuyên vi phạm kỷ luật lao động. Do đó, năng suất, hiệu quả cũng như tính an toàn trong lao động không cao.

Hiệu suất làm việc của người lao động Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với lao động của các nước trong khu vực, không chỉ ảnh hưởng kết quả sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp, mà còn làm chậm tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế. Sự sụt giảm lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực, chi phí và thời gian đào tạo, sẽ là rào cản ngày càng khó vượt qua trong cuộc đua tranh thu hút đầu tư và duy trì tăng trưởng với các quốc gia trong khu vực. Chúng ta đang phải trả giá cho "lợi thế" gọi là "nhân công giá rẻ". Bởi không phải chỉ chúng ta mới biết thế nào là "tiền nào của nấy".

Các nhà máy, doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất cần siết kỷ luật lao động, xây dựng tác phong công nghiệp trong đào tạo, dạy nghề, cũng như trong phát triển nguồn nhân lực nước nhà.

Lê Anh Tuấn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang