Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ DNNVV, trụ cột quan trọng của kế hoạch tổng thể về nâng cao năng suất

author 06:52 13/10/2020

(VietQ.vn) - Một trong những trụ cột vô cùng quan trọng trong Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 10 năm 2020) là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

 

Doanh nghiệp đã chủ động đổi mới sáng tạo

Dẫn định nghĩa từ Tổ chức Năng suất châu Á (APO), TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, năng suất được hiểu là một tư duy hướng tới thói quen cải tiến và vận dụng những cách thức biến mong muốn thành các hành động cụ thể.

“Theo cách tiếp cận này, năng suất là không ngừng cải tiến để vươn tới sự tốt đẹp hơn. Ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Vấn đề cốt lõi của nâng cao năng suất chính là quá trình cải tiến liên tục và không dừng lại, dựa trên kết quả đầu ra và đầu vào để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng”, TS Hà Minh Hiệp cho hay.

Cũng theo TS Hà Minh Hiệp, ở góc độ năng suất có thể chia ra thành năng suất của nền kinh tế, năng suất của ngành kinh tế, năng suất của doanh nghiệp và năng suất tại các cấp độ phân xưởng. Có thể thấy dù là ở vị trí nào, quy mô doanh nghiệp ra sao (doanh nghiệp lớn, nhỏ, vừa) đều có những đóng góp tích cực cho việc nâng cao năng suất quốc gia. Năng suất của nền kinh tế có 3 yếu tố chính. Thứ nhất là năng suất lao động, năng suất vốn và năng suất TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp). TFP cũng chính là những đóng góp từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào năng suất.

Thời gian qua, khi mà dư địa để tăng năng suất từ năng suất lao động và năng suất vốn không còn nhiều, thì việc tăng TFP chính là động lực để thúc đẩy tăng năng suất trong doanh nghiệp cũng như năng suất của nền kinh tế nhiều nước nói chung và Việt Nam nói riêng.

TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.  

Theo mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động (đã báo cáo Chính phủ vào năm 2019) dựa trên nghiên cứu của APO, có 3 yếu tố chính tác động vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất là sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Việc này đã được làm rất tốt khi trong 30 năm đổi mới, Việt Nam đã dịch chuyển được lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục tăng trưởng năng suất trong nội ngành và năng suất ở doanh nghiệp. Đây là các yếu tố hết sức quan trọng, là động lực để Việt Nam thúc đẩy năng suất trong giai đoạn tới.

“Bộ KH&CN hiện nay đang được Chính phủ giao xây dựng kế hoạch tổng thể quốc gia thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây chính là yếu tố giúp chúng ta có thể tăng cường giá trị, tăng TFP trong nền kinh tế Việt Nam.

Hiện nay Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang giúp cho Bộ xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Và theo nhiều nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế thì hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiện nay đang là một trong những động lực để tăng năng suất, hướng các quốc gia tăng năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta cũng đã dịch chuyển trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo từ các viện trường sang các doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nói.

TS Hà Minh Hiệp cho biết, hiện nay Việt Nam có 4 nhóm doanh nghiệp đang là trung tâm của hệ thống này gồm: các doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt đổi mới sáng tạo và dẫn dắt nền kinh tế. Thứ hai là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp này cần nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và hiệu quả sử dụng công nghệ. Thứ ba là nhóm doanh nghiệp công nghệ và công nghệ cao (doanh nghiệp chuyển hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thành giá trị của doanh nghiệp. Thứ tư là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với 4 nhóm doanh nghiệp kể trên, hiện nay, tổ chức tiêu chuẩn hóa thế giới đã phát triển các công cụ, hệ thống để giúp quản lý hệ thống đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Hoạt động quản lý là hoạt động khá trừu tượng, tuy nhiên, chúng ta đã có những bộ tiêu chuẩn để giúp quản lý hoạt động này trong doanh nghiệp, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ở bất kì cấp độ, quy mô nào. Hiện, Tổng cục TCĐLCL đã báo cáo Bộ KH&CN, xuất bản nghiên cứu và các tài liệu hướng dẫn giúp doanh nghiệp thực hiện việc quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp của mình.

Qua nghiên cứu, khảo sát, có thể thấy rằng những doanh nghiệp quan tâm đến khoa học công nghệ đều có năng suất cao hơn so với doanh nghiệp khác. Theo quy mô lao động, kể các doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa đều quan tâm đến khoa học công nghệ nhiều hơn. Theo phân chia về đổi mới sáng tạo, có 4 giai đoạn gồm đổi mới sản phẩm – đổi mới quy trình công nghệ- đổi mới tổ chức quản lý- đổi mới tiếp thị (đổi mới mô hình kinh doanh). Hiện nay doanh nghiệp của Việt Nam đang tập trung vào đổi mới quy trình công nghệ và đổi mới tổ chức quản lý. Do đó thời gian tới, cần có những cơ chế chính sách để thúc đẩy các loại hình đổi mới sáng tạo khác trong doanh nghiệp.

Những kết quả đáng ghi nhận

Thông tin về những kết quả đã đạt được, thời gian qua, TS Hà Minh Hiệp cho biết, Tổng cục TCĐLCL đã xây dựng một hệ thống, mô hình để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới sản phẩm – đổi mới quy trình công nghệ - đổi mới tổ chức quản lý- đổi mới tiếp thị thông qua các chương trình, dự án, quỹ tài trợ của Bộ KH&CN.

Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ này. Đặc biệt, trong hỗ trợ về đổi mới tổ chức quản lý, chúng tôi đã có sự tham gia rất tích cực của các chuyên gia quốc tế của APO mà Việt Nam là thành viên để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới tổ chức quản lý.

Về hoạt động đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua, theo khảo sát từ dự án First của Bộ KH&CN, có một tín hiệu rất đáng mừng là 85% doanh nghiệp của Việt Nam đã tự thực hiện các hoạt động đổi mới sản phẩm, thể hiện sự chủ động rất cao từ phía cộng đồng doanh nghiệp. 

Hiện tại, TS Hiệp cho rằng cần có cơ chế chính sách để đưa các hoạt động đổi mới sản phẩm từ các viện trường kết nối với doanh nghiệp để doanh nghiệp được sử dụng những kết quả này. TS Hiệp cũng nêu một ví dụ điển hình là tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, thông qua việc đổi mới công nghệ sản phẩm đèn Led đã giúp tăng 59% năng suất lao động, áp dụng mô hình sang các dây chuyền khác giúp tăng năng suất từ 10-20%.

Về đổi mới quy trình công nghệ, Tổng cục cũng đã có các chương trình, dự án đổi mới công nghệ quốc gia, từ Trung ương đến địa phương để giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất. Về đổi mới tổ chức quản lý, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để thay đổi công nghệ, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, cần duy trì nhận thức sẵn sàng học tập, tiếp thu kiến thức để thay đổi các quy trình, hệ thống đang có để chúng ta nâng cao năng suất.

Hiện, Tổng cục TCĐLCL đã triển khai hệ thống tiêu chuẩn và phi tiêu chuẩn (các công cụ cải tiến năng suất như Balance Score Card, LEAN, TPM, 6 Sigma, KPI, TQM, CRM, Kaizen, KSS, Visual Management) để giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất. Khi áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn và phi tiêu chuẩn sẽ tạo nên một nền tảng bài bản, hệ thống, chính xác cho doanh nghiệp và trên cơ sở đó có thể thực hiện công tác quản lý đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số. “Chúng tôi cũng hỗ trợ doanh nghiệp về các mô hình cải tiến năng suất trong doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa). Mỗi doanh nghiệp sau khi làm việc với chuyên gia của Bộ KH&CN đều được tư vấn về cách thức giúp họ tự xây dựng các mô hình cải tiến cho doanh nghiệp của họ phù hợp với điều kiện tài chính và điều kiện nguồn lực của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN trong 10 năm vừa rồi đã có chương trình nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp (Chương trình 712) để giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa được phổ biến, cập nhật các hệ thống tiêu chuẩn cũng như các công cụ quản lý.

10 năm qua chúng ta đã xây dựng được phong trào năng suất chất lượng trên phạm vi cả nước, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến hoạt động năng suất và coi năng suất là công cụ để tăng trưởng.

Tới tháng 8 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục phê duyệt chương trình giai đoạn tới. Thời gian tới sẽ tập trung đào tạo coaching tại doanh nghiệp để hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, hướng tới các công cụ, giải pháp chuyển đổi số. Hiện nay chúng tôi cũng đã xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm rất nhiều doanh nghiệp tham gia”, TS Hiệp nhấn mạnh.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ. Ảnh minh họa 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết thêm, về đổi mới mô hình kinh doanh, theo nghiên cứu cho thấy có tới 50% đổi mới kinh doanh đóng góp vào tăng trưởng năng suất của doanh nghiệp rất nhiều. Bộ KH&CN hiện cũng đang triển khai đề án 844 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2019 đã có dự án đổi mới mô hình kinh doanh vinh dự được giải thưởng startup quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có được giải thưởng này.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ KH&CN, từ năm 2019, Tổng cục TCĐLCL đã có đề nghị APO giúp cho Việt Nam xây dựng một chương trình, kế hoạch thúc đẩy năng suất quốc gia. Tại Hội nghị được tổ chức hồi tháng 6/2019, đại diện Tổng cục cũng đã nêu đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Trên cơ sở đó, tổ chức Năng suất châu Á cùng với Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc cùng Bộ KH&CN làm việc trong hơn một năm qua để xây dựng đề án thúc đẩy năng suất của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới. Hiện nay đề án này đang được lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành viên quan trọng để triển khai đề án này.

Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất

Về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 10 năm 2020, TS Hà Minh Hiệp cho biết, kế hoạch tập trung vào 4 trụ cột lớn gồm: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống giáo dục, đào tạo và mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp nội địa.

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng nêu ra 4 trụ cột chính nhằm nâng cao năng suất chất lượng của Việt Nam (gồm nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tăng năng suất; nâng cao vai trò dẫn dắt thúc đẩy năng suất của tập đoàn và tổng công ty Nhà nước; phát triển nguồn nhân lực cho các hoạt động nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Riêng về trụ cột nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần  tăng cường phổ biến công nghệ tiên tiến trên thế giới, phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam; Nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận để tạo độ tin cậy của chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã được các tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc liên kết được với các tập đoàn đa quốc gia;

Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ thông qua đào tạo bồi dưỡng nghề/đào tạo lại người lao động; thông qua các tổ chức tư vấn, hỗ trợ (như Viện năng suất Việt Nam) xây dựng các chương trình nâng cao năng lực quản trị chung để doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ công nghệ; Phát triển hoặc tăng cường năng lực của cơ quan hoạt động cung cấp thông tin về trình độ công nghệ, tình hình đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng suất.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang