Nâng cao năng suất chất lượng nước mắm nhờ năng lượng mặt trời

author 07:00 21/01/2018

(VietQ.vn) - Công nghệ mới này giúp giảm 1/3 thời gian sản xuất nước mắm và 2/3 nhân lực lao động, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (UDTB KH&CN) Hà Tĩnh mới đây đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ chế biến nước mắm sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT) và các nguồn năng lượng khác kết hợp khuấy đảo tự động, rút ngắn thời gian chế biến nước mắm từ 13 tháng theo công nghệ truyền thống còn 6 tháng.

Theo đó, từ năm 2012, Trung tâm UDTB KH&CN Hà Tĩnh đã thực hiện đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh “Rút ngắn thời gian chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời tại Hà Tĩnh”. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được ứng dụng thành công ở quy mô nhỏ tại 8 cơ sở sản xuất nước mắm thuộc 3 huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh.

Nhóm nghiên cứu bước đầu đã hoàn thiện được quy trình thiết kế, lắp đặt, vận hành hệ thống cấp nhiệt bằng NLMT, kết hợp hệ thống khuấy đảo tự động cho các bể chượp muối nước mắm, công suất từ 1 đến 2 tấn cá/bể chượp, khẳng định được hướng đi đúng cho nghề chế biến nước mắm Hà Tĩnh. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu thử nghiệm cho thấy, mặc dù công nghệ đã thể hiện được tính ưu việt so với phương pháp truyền thống, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần được nghiên cứu hoàn thiện để có thể nhân rộng, triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp.

Năm 2015, Trung tâm đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị chế biến nước mắm quy mô công nghiệp ứng dụng năng lượng mặt trời”.

Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất và chế biến nước mắm. Ảnh Thái Sơn/Vusta

Sau gần 2 năm triển khai, Dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, tạo ra quy trình công nghệ sản xuất nước mắm tiên tiến, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Thông qua Dự án, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện nhiều công nghệ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của việc sản xuất nước mắm.

Cụ thể, đã tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ chế biến nước mắm ứng dụng NLMT và các nguồn năng lượng khác kết hợp khuấy đảo tự động, gồm nguồn nguyên liệu, hàm lượng muối, nhiệt độ, kỹ thuật đắp lù, quá trình náo đảo, kỹ thuật nhằm hạn chế đạm thối, nghiên cứu sản xuất nước mắm với quy mô sản xuất 4 tấn cá/bể chượp, kỹ thuật tinh lọc, bảo quản, xác định công thức tối ưu cho sản xuất. Từ đó, xây dựng quy trình công nghệ và mô hình sản xuất nước mắm ứng dụng NLMT và nguồn năng lượng khác kết hợp hệ thống khuấy đảo tự động quy mô 50 tấn cá/vụ. Đầu tư cơ sở vật chất tại Hợp tác xã Thị Vân và Trung tâm UDTB KH&CN với tổng diện tích 700m2. Đồng thời, sản xuất, đưa ra thị trường 38.235 lít nước mắm các loại, hiện đã bán được trên 20.000 lít. 

Cùng với đó, thông qua dự án đã nghiên cứu sản xuất hệ thống thu NLMT và nguồn năng lượng khác kết hợp hệ thống khuấy đảo tự động cho sản xuất nước mắm. Trên cơ sở mô hình sản xuất nêu trên, Dự án đã tiến hành số hóa các thông số kỹ thuật của công nghệ, thiết bị, làm cơ sở cho việc thiết kế kỹ thuật để sản xuất tấm thu năng lượng phù hợp với các bể chượp có công suất từ nhỏ đến lớn. Vật liệu chế tạo cũng được nhóm nghiên cứu thử nghiệm, lựa chọn kỹ lưỡng, giúp tấm thu NLMT có độ bền cao, không bị gỉ sét trong quá trình vận hành.

Theo nhóm nghiên cứu, qua quá trình thực hiện Dự án cho thấy, lượng nước mắm cốt sử dụng công nghệ mới thu được nhiều hơn 30% so với phương pháp truyền thống nhờ NLMT tạo ra nhiệt độ tối ưu giúp chuyển hóa tối đa nguyên liệu. Đồng thời, việc bỏ các công đoạn phơi, đảo, lọc đã giúp giảm đáng kể nhân công lao động, so với phương pháp truyền thống công nghệ mới này giúp giảm 1/3 thời gian sản xuất nước mắm và 2/3 nhân lực lao động, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước, cũng như đại diện các cơ quan quản lý của Bộ KH&CN đều đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án. Thông qua Dự án, việc ứng dụng sản phẩm để sản xuất nước mắm không còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Khi trời không có nắng, có thể dùng điện để đun nóng bể ổn nhiệt. Áp dụng theo quy trình công nghệ mới đã rút ngắn thời gian chế biến nước mắm xuống còn 6 tháng so với công nghệ truyền thống 13 tháng; giảm chi phí nhân công khuấy đảo và phơi; lượng nước mắm thu được nhiều hơn, chất lượng ngon hơn, tăng hiệu quả kinh tế. Quy trình chế biến quy chuẩn và khép kín tạo điều kiện nâng cao yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang