Nâng cao năng suất nhờ mô hình canh tác sắn bền vững

author 17:14 10/02/2015

(VietQ.vn) - Dự án mô hình canh tác sắn trên sườn dốc đã được chuyển giao cho nông dân nhằm nâng cao năng suất với sự phối hợp thực hiện của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nhằm hướng tới việc nâng cao năng suất sắn, bảo vệ đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà vẫn đem lại hiệu quả cao cho người trồng sắn, dự án "Phát triển sắn bền vững cho các tỉnh miền núi phía Bắc” đã được triển khai trên địa bàn một số thôn bản, với sự phối hợp thực hiện của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai do Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia chủ trì.

Sắn là cây trồng quen thuộc với hầu hết nông dân Việt Nam, nhất là ở vùng trung du, miền núi. Cây sắn dễ trồng, thích ứng với đất đai và điều kiện khí hậu rộng, theo Dân Việt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây người dân trồng sắn theo phương thức quảng canh là chủ yếu nên năng suất thấp; đồng thời còn làm đất bị rửa trôi bạc màu, hoang hóa. 

Báo Nông Nghiệp Việt Nam cho hay, sau hơn 2 năm 2013-2014, dự án đã xây dựng 11 mô hình với 33 điểm trình diễn, tổng quy mô diện tích 297 ha được trồng, 2.255 nông dân được đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác sắn bền vững và 1.650 người được tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình trình diễn. Thông qua kết quả đánh giá từ các mô hình tại các địa điểm trình diễn, được bà con nông dân đánh giá rất cao.

Mô hình trồng sắn bền vững nhằm giúp đỡ nông dân nâng cao năng suất

Mô hình trồng sắn bền vững được áp dụng nhằm giúp đỡ nông dân nâng cao năng suất

Cụ thể trong năm 2013, tại 15 điểm trình diễn của 5 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, quy mô diện tích 135 ha (27 ha/tỉnh), các giống sắn trồng là KM94 hoặc KM98-7 và cây trồng xen canh là lạc L14 hoặc đậu tương DT84 hoặc đậu đen.

Kết quả năng suất củ sắn tươi từ 28,5 - 35,7 tấn/ha, năng suất trung bình 32,5 tấn/ha, vượt hơn SX sắn đại trà địa phương (giống sắn lá tre) từ 15,1 - 41,1%; mô hình còn thu được từ cây trồng xen canh (lạc hoặc đậu tương hoặc đậu đen) năng suất từ 0,11 - 0,74 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của 5 mô hình trình diễn lãi thuần vượt hơn so với SX sắn đại trà của địa phương từ 10,96 - 20,05 triệu đ/ha/năm.

Năm 2014, thực hiện mô hình canh tác sắn bền vững tại 18 điểm trình diễn của 6 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai, quy mô diện tích 162 ha (27 ha/tỉnh), các giống sắn trồng trong mô hình là KM94, KM98-7, KM60 và cây trồng xen canh lạc L14 hoặc đậu tương DT84 hoặc đậu đen.

Kết quả các mô hình, năng suất sắn củ tươi từ 30,6 - 43,7 tấn/ha, vượt hơn so với SX sắn đại trà (giống sắn lá tre) từ 20,4 - 34,2% và năng suất cây trồng xen lạc L14 hoặc đậu tương DT84 hoặc đậu đen từ 0,6 - 1,62 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế các mô hình canh tác sắn bền vững cho lãi thuần hơn so với SX đại trà của địa phương từ 10,941 - 22,800 triệu đ/ha/năm, trung bình 17,026 triệu đ/ha/năm.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang