Nâng cao NSCL các tỉnh miền Trung: Phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn

author 06:05 23/11/2020

(VietQ.vn) - Trong gần 10 năm qua, Chương trình 712 đã được triển khai một cách sâu rộng, đem lại thay đổi tích cực đến kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Các hoạt động phong phú, đa dạng

Bên cạnh mục tiêu chính là hỗ trợ hoạt động nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) tại các doanh nghiệp, Chương trình 712 còn hướng đến thúc đẩy phát triển sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu của các địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực. Từ đó, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế các địa phương, hình thành phong trào năng suất trên cả nước nói chung và các địa phương tại miền Trung nói riêng.

Theo báo cáo của Ban điều hành Chương trình 712, ngay từ khi dự án tại các địa phương được phê duyệt đã có hàng loạt hoạt động chuyên sâu được tổ chức. Trong đó, điểm nhấn là việc xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương (đối tượng nâng cao NSCL); xác định các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm hàng hóa chủ lực (đối tượng thực hiện các dự án nâng cao NSCL).

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Chương trình, dự án (các hội nghị, hội thảo, viết bài, đăng bài trên các phương tiện thông tin đại chúng...); cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về năng suất chất lượng do Tổng cục TCĐLCL tổ chức; tổ chức các lớp đào tạo về NSCL cho cán bộ các sở, ban ngành doanh nghiệp tại địa phương.

Một lớp tập huấn kiến thức về năng suất chất lượng được tổ chức tại Quảng Nam.

 

Tính riêng trong giai đoạn 2010-2015 đã có trên 2000 lượt cá nhân, tổ chức được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về NSCL, tiêu chuẩn hóa do các địa phương tổ chức; hơn 700 khóa đào tạo nghiệp vụ xây dựng TCCS, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng trên 2000 TCCS, hơn 1.000 doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý công cụ cải tiến NSCL từ các dự án địa phương; hơn 150 doanh nghiệp được tư vấn, hỗ trợ tham gia hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), hàng nghìn doanh nghiệp được sự tư vấn về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn tư vấn về đổi mới công nghệ.

Chỉ tiêu 5000 doanh nghiệp được phổ biến, hướng dẫn áp dụng TCVN, QCVN; hướng dẫn, tư vấn xây dựng, áp dụng TCCS đã vượt mức đề ra. Một số mới đã xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật riêng cho một số đối tượng sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương mình…

Đến giai đoạn từ 2016-2019 (giai đoạn các chương trình NSCL địa phương được triển khai mạnh mẽ, bắt đầu đi vào chiều sâu) đã có hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn về NSCL, GTCLQG được tổ chức với sự tham dự của hơn 6.000 lượt đại biểu. Hàng trăm lớp đào tạo, tập huấn về NSCL, GTCLQG và các nội dung liên quan khác cũng được tổ chức cho gần 12.000 lượt cán bộ các sở, ban ngành, doanh nghiệp tại địa phương.

Các địa phương còn chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện dự án NSCL tại doanh nghiệp, hướng dẫn khoảng 1.500 lượt doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, mô hình, công cụ cải tiến NSCL; áp dụng TCVN, QCVN; chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng áp dụng TCCS; tham gia GTCLQG, áp dụng các biện pháp sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ… Qua gần 10 năm triển khai thực hiện các dự án về NSCL tại địa phương, Ban điều hành Chương trình 712 đánh giá cao và nêu bật thành tựu của một số địa phương điển hình tại miền Trung như Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn

Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình 712, việc thực hiện dự án nâng cao NSCL tại địa phương gặp một số khó khăn như tiến độ xây dựng, phê duyệt dự án NSCL ngành, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Nhiều dự án quy mô còn quá nhỏ chưa thực sự tương xứng với quy mô của dự án thuộc Chương trình quốc gia.

Khu lắp ráp sản phẩm của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, doanh nghiệp điển hình về triển khai các hệ thống, công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

 

Thêm vào đó, việc triển khai Chương trình, dự án ở một số ngành, địa phương còn lúng túng, cách tiếp cận xây dựng và triển khai dự án giữa các địa phương rất khác nhau. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp (chủ thể của hoạt động nâng cao NSCL) còn chưa chủ động, tích cực. Nguyên nhân của mặt hạn chế nêu trên là do bản thân doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của NSCL - yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh; số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, còn yếu kém về trình độ quản lý sản xuất, nên chưa tin tưởng áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình 712, thông qua các hoạt động của Chương trình, nhận thức của các cấp các ngành, địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp về vấn đề NSCL, hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt. Vấn đề về năng suất, cải tiến năng suất được xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp; Chương trình cũng giúp hình thành, thúc đẩy phong trào NSCL trong phạm vi cả nước nói chung, các địa phương miền Trung nói riêng.

Thông qua đó huy động nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao NSCL của sản phẩm hàng hoá chủ lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước. Không dừng lại ở đó, chương trình đã có những tác động ban đầu, tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp họ nhận thức đầy đủ hơn tầm quan trọng của NSCL đối với sự tồn tại và phát triển; tạo sự gắn kết hơn giữa khoa học và sản xuất, đời sống…

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang