Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm từ việc gỡ ‘vướng’ tích tụ đất cho doanh nghiệp

author 19:04 26/02/2020

(VietQ.vn) - Hiện nay, đất đai là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, thế nhưng việc tích tụ ruộng đất nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vẫn là bài toán nan giải. Nếu giải quyết được bài toán này sẽ tạo thuận lợi cho việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo thống kê, năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy, sản. Mặc dù số lượng doanh nghiệp ngành nông nghiệp đang ngày một gia tăng, đồng thời nhiều tập đoàn lớn đã bắt đầu tham gia lĩnh vực nông nghiệp, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại có nhu cầu diện tích quy mô lớn, tập trung để sản xuất hàng hóa nhưng không có, trong khi hàng nghìn hecta đất ruộng lại bị người dân bỏ hoang.

Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Ipsard cho biết: Đất là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đất đai Việt Nam hiện còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Bởi thống kê chỉ ra, có tới 63% hộ nông dân có diện tích đất nhỏ hơn 0,5 ha; 26% có diện tích đất nông nghiệp từ 0,5- 2 ha và một hộ có nhiều mảnh đất. Điều này không những gây ra hạn chế, bất cập trong sản xuất nông nghiệp mà còn gây khó khăn trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Thời gian qua, mặc dù nhà nước đã có chủ trương chính sách tích tụ ruộng đất theo quy mô lớn, đã có biến chuyển nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Nếu giải quyết được bài toán này sẽ tạo thuận lợi cho việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tháo gỡ khó khăn trong tích tụ đất đai cho doanh nghiệp giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. 

Nói thêm về những khó khăn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra thêm, 31% doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết thủ tục hành chính gây phiền hà nhất cho doanh nghiệp. Đồng thời, khung giá đất nhà nước hiện nay chưa phù hợp với thị trường, thường chỉ bằng 20-30% khung giá đất thị trường…

Lý giải những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình tập trung đất nông nghiệp ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tốn, Vụ phó Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho hay, nhận thức về tập trung ruộng đất còn chưa thống nhất. Tổ chức thực hiện còn hạn chế. Trên thực tế, đã có hiện tượng một số dự án chưa đảm bảo mục đích tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn mà được lách luật để chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển thành khu đô thị hay khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn sơ khai, thiếu minh bạch, chưa hấp dẫn thậm chí có xu hướng giảm. Thị trường cho thuê đất kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp. Ngoài ra, một số quy định của pháp luật còn chưa thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Các hình thức tích tụ và tập trung đất còn ẩn chứa các yếu tố chưa bền vững.

Để phát triển thị trường đất nông nghiệp, theo Nguyễn Trung Kiên, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trước hết cần hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai; Xây dựng khung pháp lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, đảm bảo để Tổ chức phát triển quỹ đất hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; Xây dựng cơ chế, tổ chức hỗ trợ xử lý tranh chấp giao dịch đất nông nghiệp, hợp đồng nông sản; Cần bỏ thời hạn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, thay vào đó là giao đất sản xuất ổn định lâu dài cho người dân;

Đồng thời, cần nâng thời hạn thuê đất công ích của xã từ 5 năm lên 20 năm để khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn; Xem xét giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giao dịch đất nông nghiệp;…

Thủ tướng: 'Nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, có thể làm giàu được'(VietQ.vn) - “Nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đều nói là nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, có thể làm giàu được. Đó chính là cơ hội, niềm tin mới của chúng ta để phát triển mạnh mẽ một số sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang