Nâng cao sức cạnh tranh ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu

author 09:15 03/10/2018

(VietQ.vn) - Đó là chủ đề của cuộc hội thảo do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Hội Lương Thực Thực phẩm TP HCM phối hợp tổ chức.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý cao cấp Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, hiện nay người tiêu dùng Việt có ý thức về sức khỏe và chủ động để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, sự tin tưởng của người tiêu dùng là vấn đề thiết yếu cần được giải quyết. Người Việt đang ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ và thông tin nhà sản xuất của những sản phẩm họ sử dụng. Phần lớn người tiêu dùng có nhìn nhận tích cực hơn về các công ty minh bạch về cách sản phẩm được sản xuất.

 Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm trong khuôn khổ hội thảo. Ảnh: NNV

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình cho hay, dù hướng đến thị trường nội địa hay xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải chú trọng nắm bắt thông tin thị trường và thực hiện hoạt động sản xuất hướng đến những tiêu chuẩn trong và ngoài nước.

Đặc biệt, quy trình mua hàng, thương nhân và nhà bán lẻ thường đến đơn vị sản xuất rất nhiều lần, nên người sản xuất cần lựa chọn quy trình quản trị sản xuất, cập nhật và thống kê chi tiết quá trình sản xuất từ đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra. 

 
Theo Công ty Nielsen, có 37% người tham gia khảo sát xem sức khỏe là mối quan tâm và xếp thứ hai trong các mối quan tâm hàng đầu; 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ; 80% lo ngại về tác động sức khỏe lâu dài của các thành phần nhân tạo.
Bên cạnh đó, 83% chủ động lựa chọn chế độ ăn uống để ngăn ngừa tình trạng sức khỏe xấu; 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng.
 

Mặt khác, không ít người cho rằng, tiêu chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) không có giá trị, nhưng trên thực tế cho thấy, VietGAP chỉ thua tiêu chuẩn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) ở tính cộng đồng, vấn đề lao động…

Cụ thể, GlobalGAP đòi hỏi phải lo nơi ăn, ở của công nhân, sinh hoạt, đi học… còn VietGAP cũng rất đầy đủ và phù hợp với chuẩn Việt Nam. Do đó, về chuẩn hội nhập cho hàng hóa xuất khẩu, tùy theo yêu cầu của từng thị trường mà doanh nghiệp tổ chức và triển khai sản xuất cho ra sản phẩm phù hợp.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM, đơn vị này đã và đang tập trung tăng cường kiểm soát hàng hóa nông sản, thực phẩm, rau củ, quả… vào mạng lưới chợ truyền thống, nhất là ba chợ đầu mối trên địa bàn TP. HCM.

 Ông Phạm Xuân Đà phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thùy Dung

Cùng với các giải pháp quản lý, TP. HCM cũng có những chính sách khuyến khích, ưu tiên đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và Giấy phép an toàn thực phẩm cung ứng hàng hóa vào các hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… 

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp nỗ lực nâng sức cạnh tranh cho thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nhận thức Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ là bước đầu xây dựng niềm tin, còn vấn đề hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm là duy trì và đảm bảo chứng nhận tiêu chuẩn đã đạt được của thương hiệu hàng hóa”, bà Phạm Khánh Phong Lan, nhấn mạnh

Tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học Công nghệ) đã trình bày về “Thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”.

Thu Phương (Lược ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang