Nặng gánh phụ huynh nông dân đưa con “vượt vũ môn”

author 13:26 03/07/2013

(VietQ.vn) - Để chuẩn bị cho kỳ thi cao đẳng, đại học của con, những bậc phụ huynh nông dân tạm gác lại chuyện đồng áng, tay xách nách mang cùng con rời quê lên Hà Nội dự thi. Quanh câu chuyện kể của họ là những nỗi lo không dứt về học phí, về tiền bạc để có thể “kham” được những khoản chi tiêu đắt đỏ ở Thủ đô, quanh quẩn đâu đó còn là những ánh mắt thấp thỏm thoáng buồn nghĩ về một tương lai xa hơn thời kỳ sau tốt nghiệp đại học, khi mà hiện nỗi lo thất nghiệp đang nặng gánh rất nhiều cử nhân.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền

Trong số những phụ huynh, sỹ tử được ở trọ miễn phí tại khu ký túc xá trường ĐH Sư phạm HN thì hoàn cảnh của mẹ con sỹ tử Đinh Thị Xoan và Nguyễn Thị Ngọc Khánh (quê ở Ninh Giang, Hải Dương) rất khó khăn. Nhà chỉ có hai mẹ con, thuộc diện hộ nghèo của xã, hoàn cảnh nhà neo người khiến cuộc sống nghèo càng thêm buồn. Khánh không may mắc bệnh viêm da cơ địa từ lúc năm tháng tuổi. Khắp người nổi đầy mẩn, mụn nhọt và chúng là nỗi ảm ảnh của cả em và mẹ. “Có đợt bệnh nặng, em nó bị khắp người, chân tay nhầy nhụa, sợ lắm. Bác sĩ bảo là bây giờ tiêm phòng cũng chẳng còn chỗ tiêm”, cô Xoan giọng rầu rầu chia sẻ. Cô còn cho biết thêm, có một thời gian dài Khánh bị viêm phổi, kinh tế vốn đã khó khăn lại càng trở nên túng bấn.

Hoàn cảnh gia đình nghèo lại thêm bệnh khó đã khiến Khánh dần dần rụt rè và ít giao tiếp với mọi người. Bài thơ 7 chữ Khánh làm về nỗi buồn cuộc đời buồn của bản thân dường như luôn cắt cứa vào tâm hồn của người mẹ nông dân nghèo khó mỗi khi nghĩ về đứa con ngoan ngoãn nhưng bệnh tật của mình:

Canh khuya, cảnh vắng nghĩ đời tôi
Số phận hẩm hiu đã định rồi
Căn bệnh hiểm nghèo đeo đuổi mãi
Biết đến bao giờ nó mới thôi.

Hồi năm cấp hai, Khánh bị bạn bè trêu chọc nhiều, có hôm về đến nhà là khóc nức nở vì bị bạn bè dọa đánh, chặt tay. Đã từng có lần không chịu được áp lực từ bạn bè, nghĩ thân phậm hẩm hiu, Khánh đã đòi tự tử. Lúc đó cô Xoan vô cùng buồn bã, tìm mọi cách để khuyên nhủ cũng như gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm của con để đặt vấn đề. Nhờ có sự vào cuộc kịp thời mà dần dần Khánh nguôi đi ý định dại dột đó. Lên cấp ba, Khánh không còn bị xa lánh, hắt hủi, em chơi hòa đồng với bạn bè và được nhiều người quý mến.

Mặc bệnh tật, Khánh vẫn cố gắng học tập thật tốt và năm nay em quyết định thi vào khoa Hóa, trường ĐH Sư phạm HN. Cũng như nhiều thí sinh đến dự thi ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Khánh có ước mơ trở thành nhà giáo, một phần vì yêu thích, một phần vì lý do thật đặc biệt và cũng thật hợp lý: nếu thi đỗ vào đại học sư phạm thì sẽ không phải đóng học, mẹ đỡ vất vả hơn.

Cô nghẹn ngào chia sẻ: “Em nó muốn thi công nghệ cắt may, nhưng nhà khó khăn quá, lại chỉ một mẹ một con, thi sư phạm nếu đỗ thì được miễn tiền học phí, mình chỉ cần lo tiền ăn, tiền trọ, nếu em nó đỗ mình cũng xin cho con ở ký túc xá thôi… Tôi biết em nó khóc nhiều lắm, em nó cũng thích công nghệ cắt may nữa nhưng hoàn cảnh như vầy thì biết phải làm sao”.

Còn Khánh thì ngậm ngùi cho biết, nếu thi đỗ trong đợt này, em sẽ cố gắng vừa học thật tốt ở trường, vừa cố gắng học thêm nghề may để giúp đỡ mẹ trang trải kinh phí học tập vốn rất đắt đỏ ở Hà Nội.

Mẹ con sỹ tử Đinh Thị Xoan và Nguyễn Thị Ngọc Khánh nặng trĩu nỗi lo trước kỳ thi
Mẹ con sỹ tử Đinh Thị Xoan và Nguyễn Thị Ngọc Khánh nặng trĩu nỗi lo trước kỳ thi

Sáng hôm qua, hai mẹ con cô Xoan mới tay xách nách mang đặt chân đến Thủ đô và được các tình nguyện viên đưa vào ký túc xá. Cô Xoan say xe nên người mệt lử nhưng cũng cố lấy lại tinh thần và sức khỏe nhanh nhất để tránh ảnh hưởng đến tâm lý ôn thi của con gái. Dù trong đáy mắt của hai mẹ con còn vương vấn nhiều nỗi lo, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” có lẽ chẳng bao giờ nguôi nhưng ánh mắt ấy dường như cũng tràn đầy sự quyết tâm, sự tin tưởng và khao khát học tập trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này.

Thấp thỏm nhiều nỗi lo

Muốn định hướng cho con làm giáo viên, muốn con được học trong môi trường mô phạm nên cô Thắm, phụ huynh của thí sinh Lâm Thị Hải (THPT Yên Khánh A, Yên Khánh, Ninh Bình) định hướng cho con gái thi ngành sư phạm. Tự nhận mình là “người nhà quê ra tỉnh”, lúc mới đặt chân tới bến xe rồi tìm địa chỉ trường, hai mẹ con cũng rất rụt rè bỡ ngỡ nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các tình nguyện viên nên hai mẹ con nhanh chóng được đưa vào ký túc xá. Nỗi lo của cô Thắm và Hải hiện nay là tỷ lệ chọi khá cao nên Hải sẽ phải cố gắng và tập trung hết tinh thần và sức lực để thi cử thật tốt, giành một suất học tại trường.

Khu nhà A6, một trong những khu của Ký túc xá ĐH Sư phạm là nơi các sĩ tử và phụ huynh ở trong đợt thi Đại Học này
Khu nhà A6, một trong những khu của Ký túc xá ĐH Sư phạm HN là nơi các sĩ tử và phụ huynh ở trong đợt thi Đại học này

Trong những căn phòng ký túc tại ĐH Sư phạm, tôi còn tiếp tục có thêm nhiều cuộc trò chuyện nữa với các thí sinh và phụ huynh học sinh. Họ đều từ các tỉnh lẻ đổ về và ai cũng cảm thấy rất may mắn khi có được một chỗ ở miễn phí trong suốt kỳ thi này. Bên cạnh những chuyện về bài vở, học hành của con cái họ, hầu hết những câu chuyện cũng chỉ xoay quanh thêm chủ đề hạt thóc, hạt gạo, chuyện được mùa, mất mùa, thiên tai khí hậu… Bên cạnh những nỗi lo “ngắn hạn” như chuyện tỷ lệ chọi, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ suốt đợt thi thì cũng có không ít bậc làm cha làm mẹ không giấu giếm nổi nỗi lo học phí cho con. Có người nhìn xa hơn thì còn thấy cả một tương lai phía trước khi mà những năm học sẽ trôi qua, đến ngày nào đó con cái họ sẽ ra trường và “đập” ngay vào nỗi lo thất nghiệp đang trực chờ trước mắt…

Khánh Lành 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang