Năng suất chất lượng chính là chìa khóa để phát triển doanh nghiệp

authorHoàng Dương 18:26 15/04/2017

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Hồng – Hội Khoa học Kĩ thuật Hà Nội. Bên cạnh đó PGS.TS còn nhấn mạnh, Năng suất chất lượng được nâng cao trong doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn thúc đẩy sự phát triển.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo PGS - TS Phạm Hồng, giải pháp nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp khi áp dụng các công cụ nâng cao Năng suất chất lượng, cải tiến sự phát triển nên tập trung vào hai việc, thứ nhất là tạo ra được các mô hình điểm, trong quá trình triển khai nhân rộng thì vai trò của tư vấn đối với doanh nghiệp không mang tính "cầm tay chỉ việc" nhiều. Thứ hai, trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn để trong quá tình triển khai sẽ sâu sát và hiệu quả hơn.

Để tăng Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tiếp cận các công nghệ mới. Các doanh nghiệp phải thực sự sử dụng khoa học công nghệ là công cụ chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.

PGS.TS Phạm Hồng – Hội Khoa học Kĩ thuật Hà Nội

PGS.TS Phạm Hồng – Hội Khoa học Kĩ thuật Hà Nội 

Chuyên sâu hơn đến vấn đề Năng suất chất lượng trong doanh nghiệp và bộ ngành, PV Chất lượng Việt Nam đã có những trao đổi sâu hơn về vấn đề này với PGS - TS Phạm Hồng.

Là chuyên gia về Năng suất chất lượng, ông có đánh giá như thế nào trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý, góp phần cải tiến, nâng cao Năng suất chất lượng trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Vấn đề nâng cao Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp Việt Nam luôn là vấn đề cốt lõi. Nếu giải quyết vấn đề này tốt sẽ tạo ra điều kiện của sự cạnh tranh, sự bền vững trong doanh nghiệp nói riêng và cả ngành kinh tế Việt Nam nói chung.

Nhờ chương trình Năng suất chất lượng quốc gia mà hàng nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận các đề án thông qua sự hỗ trợ của các dự án Năng suất chất lượng, của bộ Khoa học và Công nghệ cùng với nhiều bộ, ngành khác và ngay cả sự hỗ trợ từ chính các địa phương.

Sự tiếp cận kể trên được thông qua hệ thống đào tạo và từ những nhiệm vụ cụ thể. Tôi thấy, đây là cách triển khai rất hợp lý và có tính chiến lược từ các Bộ, ngành, địa phương cho đến các doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc tiến hành các dự án hay các nhiệm vụ thông qua các công cụ, các phương pháp, hệ thống triển khai cũng bắt đầu có tính chất thí điểm và xây dựng được các mô hình điểm. Nhờ đó, các mô hình được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm liền.

Thưa ông, hiện nay đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều doanh nghiệp dường như chưa chú tâm đến nâng cao Năng suất chất lượng, ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp này?

Sự băn khoăn của các doanh nghệp để bảo đảm các chế độ cho công nhân viên như tiền lương, đời sống kinh tế là rất đúng đắn. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp này thì tôi nghĩ rằng, đừng nên quá mải tìm kiếm các nguồn thu ở đâu xa mà hãy quan tâm đến việc nâng cao hơn nữa Năng suất chất lượng.

Các doanh nghiệp hãy nhớ lấy một điều, Năng suất chất lượng chính là chìa khóa để phát triển doanh nghiệp đồng thời làm cho sản lượng tăng, tỉ lệ sản phẩm khuyết tật giảm. Khi Năng suất chất lượng tăng thì điều đó đồng nghĩa với việc tổng thu nhập của doanh nghiệp cũng tăng. Từ đây vấn đề nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân sẽ được nâng lên và như vậy mới là phát triển vững bền.

Hiện nay, nhiều bộ ngành còn chậm triển khai các hoạt động của chương trình quốc gia về nâng cao Năng suất chất lượng, theo ông cần khắc phục điều này như thế nào?

Chương trình Năng suất chất lượng muốn lan tỏa thì cần phát triển mạnh mẽ từ chính các dự án của các bộ, ngành. Trên thực tế, vấn đề Năng suất chất lương chỉ đang được triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả cao nhất từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, điều này cũng dễ hiểu bởi Bộ Khoa học và Công nghệ có những thuận lợi riêng. Thuận lợi nhờ các dự án về Năng suất chất lượng được triển khai liên tục, đồng đều và có Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng luôn tiên phong trong vấn đề Năng suất chất lượng.

Còn lại các bộ, ngành khác do không có điều kiện và không có Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thì ở từng bộ, ngành cũng có thể sẽ tận dụng chương trình Năng suất chất lượng riêng. Ví dụ, chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm, chương về sức khỏe cộng đồng của Bộ Y tế hay Bộ Công Thương quan tâm chương trình tiết kiệm năng lượng, chương trình năng lượng mới sáng chế từ tự nhiên … Mỗi bộ đều hoàn toàn có thể thực hiện việc tăng Năng suất chất lượng dựa vào đặc thù từng sắc thái riêng của mình. Các bộ cần làm dứt điểm, mạnh mẽ và đồng loạt để tăng được hiệu ứng và tinh thần phát triển mạnh mẽ về Năng suất chất lượng.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang