Phương thức sản xuất OBM hứa hẹn nâng cao chất lượng ngành may

author 18:24 20/08/2015

(VietQ.vn) - Phương thức sản xuất OBM, ODM giúp lợi nhuận hàng hóa có thể tăng lên 30-40% hoặc 100% tùy loại, khó khăn chính của xu thế này là hướng vào đội ngũ thiết kế và ý tưởng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngành dệt may nước ta dù có mức tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng tổng giá trị xuất khẩu của ngành mới chỉ đạt 4% thị phần toàn cầu.Nguyên nhân khiến giá trị hàng hàng dệt may Việt chiếm phần khiêm tốn là do hiện các doanh nghiệp dệt may trong nước chủ yếu vẫn sản xuất theo hình thức gia công (OEM) hoặc cao hơn một chút là FOB. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas, để thúc đẩy giá trị dệt may, các doanh nghiệp cần chuyển dịch lên phương thức sản xuất ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất), OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối).

Xu thế mới giúp tăng giá trị và năng suất ngành may

Xu thế mới giúp tăng giá trị và năng suất ngành may

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và các chuyên gia về dệt may, sản xuất theo phương thức ODM và OBM thì biên lợi nhuận hàng hóa có thể tăng lên 30-40% hoặc 100% tùy loại. Tuy nhiên, bà Đặng Phương Dung nhận định, sản xuất theo phương thức ODM hay OBM là cái đích muốn các doanh nghiệp dệt may nước ta hướng tới nhưng không dễ để doanh nghiệp nào cũng làm được. Để thực hiện ODM, OBM, DN cần giải bài toán nguồn nhân lực, có nguồn tài chính dồi dào và phương thức quản lý hữu hiệu.

Bên cạnh đó, làm ODM hay OBM còn liên quan đến thương hiệu của công ty, riêng OBM phải là những doanh nghiệp thực sự lớn mới có thể phát triển và thu hút khách hàng. Các doanh nghiệp dệt may trong nước thành công khi đi theo phương thức ODM có thể kể đến Việt Tiến, May 10, TNG, Phong Phú, Đông Xuân… Sản xuất theo ODM của dệt kim Đông Xuân (Doximex) không chỉ ở may mà còn ở dệt và hoàn tất vải với sự chủ động trong công nghệ để tạo ra các sản phẩm mới từ vải cho đến mẫu trang phục. Còn mô hình ODM của Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú là chuyên về sản xuất hàng denim với đội ngũ chuyên về thiết kế kiểu dáng và phát triển lực lượng marketing chuyên chào bán…

Với phương thức OBM, các doanh nghiệp vẫn đang chỉ cung ứng cho thị trường nội địa, còn một khoảng cách khá xa nữa các doanh nghiệp mới có thể đem hàng ra xuất khẩu. Chia sẻ về cách thức để doanh nghiệp phát triển theo ODM và OBM, vị đại diện của Vitas cho rằng phải hướng vào đào tạo đội ngũ thiết kế, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo để họ có quyết tâm và xác định được hướng đi phù hợp. Vì vậy, để làm ODM, OBM, DN phải có thời gian phát triển đội ngũ thiết kế, xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường nội địa… Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ đào tạo những nhà thiết kế trẻ, đào tạo không phải ở lý thuyết mà phải là thực hành để họ tạo ra được những sản phẩm mang tính thương mại, phù hợp thị trường.  

Phương Khanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang