Giao lưu trực tuyến

GLTT: Nâng cao năng suất chất lượng - 'Đòn bẩy' cho doanh nghiệp phát triển bền vững

authorThanh Uyên 07:07 31/03/2016

(VietQ.vn) - "Nâng cao năng suất chất lượng: “Đòn bẩy” cho doanh nghiệp phát triển bền vững" là chủ đề giao lưu trực tuyến do Chất lượng Việt Nam tổ chức sáng nay 31/3/2016.

“Nâng cao NSCL: “Đòn bẩy” cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Tổng biên tập Trần Văn Dư tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình giao lưu trực tuyến

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa là mục tiêu của các doanh nghiệp, việc áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Nhằm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và cải tiến hệ thống quản lý, đánh giá chất lượng. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu và áp dụng các công cụ nâng cao năng suất như: Lean, Lean Six Sigma, 5S, TPM, TQM, các ISO, HACCP, Kaizen. Đặc biệt, làm rõ vai trò của khoa học công - nghệ là công cụ chiến lược để phát triển doanh nghiệp một cách nhanh chóng và bền vững, tạo ra những sản phẩm có chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường. Vào lúc 9h ngày 31/3/2016, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Nâng cao năng suất chất lượng - 'Đòn bẩy'cho doanh nghiệp phát triển bền vững"  với sự tham gia của các khách mời:

- Ông Trần Văn Vinh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ

- TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

- PGS -TS Phạm Hồng - UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội

- Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu khai mạc Giao lưu trực tuyếnTổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu khai mạc Giao lưu trực tuyến

Xin mời doanh nghiệp, quý vị độc giả quan tâm xin gửi câu hỏi cho các khách mời về địa chỉ: [email protected]

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
Quang Minh - [email protected]
Xin ông Tổng cục trưởng chia sẻ kết quả, hiệu quả thực hiện dự án cải tiến năng suất chất lượng tại một số doanh nghiệp tiêu biểu trong giai đoạn vừa qua?
Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Trong giai đoạn I của Chương trình Năng suất chất lượng đã ban hành được gần 5.000 tiêu chuẩn Việt Nam, nâng số lượng tiêu chuẩn lên 45% TCVN được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, hàng trăm quy chuẩn kĩ thuật Quốc Gia kịp thời đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về chất lượng và đồng thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa của mình. Bên cạnh đó, đã có  nhiều doanh nghiệp đạt kết quả tốt trong việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng.

Cụ thể: Kết quả áp dụng hệ thống quản lý năng lượng (ISO 5000) giúp doanh nghiệp giảm được tiêu thụ điện năng, hiệu quả thu được rất đáng kể. Áp dụng hệ thống ISO 9001 tích hợp ISO 3834 giúp các doanh nghiệp cơ khí đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài, ký kết được các hợp đồng cung ứng mang lại giá trị kinh tế lớn.

Ví dụ: Công ty May Đức Giang, Công ty May 10, công ty TRAPACO... đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý tiên tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, mở rộng mạng lưới khách hàng, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng kịp thời.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công cụ cải tiến khác như: Hạch toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA) cũng đã giúp doanh nghiệp hình thành được phương pháp và cách thức kiểm soát chi phí đối với các nguyên vật liệu tham gia quá trình sản xuất và giảm lãng phí.

Việc áp dụng BSC đã hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược và quá trình hoạt động thông qua hệ thống KPIs, từ đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước

Kết quả áp dụng mô hình quản lý tinh gọn LEAN, KAIZEN, 5S hay công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM) cũng đều mang lại những hiệu quả rõ rệt. Giúp cho doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất. Tiêu biểu có các doanh nghiệp như: Công ty CNC - Vina, Hà Nội, Công ty May Hưng Nhân- Tổng Công ty Đức Giang, Công ty Cổ phần May Nam Hà, Công ty Nam Dược - Nam Định, Công ty Dệt Kim Đông Xuân... khi áp dụng các công cụ cải tiến đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất từ 15-30%.

Trịnh Đạc - [email protected]
Có một thực tế là doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến năng suất nhưng hiệu quả lại chưa thực sự nổi bật. Theo ông có cần thiết phải có sự cam kết của DN để đảm bảo là khi được hỗ trợ phải tăng năng suất hay không?
PGS -TS Phạm Hồng - UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội

Công bằng mà nói, thật sự có những doanh nghiệp khi áp dụng các phương thức quản lý, công cụ cải tiến rất thành công, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt cho doanh nghiệp và người lao động. Đó là một số doanh nghiệp lớn như May Nhà Bè, Tổng công ty Đức Giang, May 10, May Nam Hà, Điện Lào Cai... hoặc những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Bệnh viện Việt Pháp, Công ty cổ phần Trường Hựu Đà Nẵng hay là Công ty Nhựa Rạng Đông TP.HCM...

Tuy nhiên, cũng không ít doanh nghiệp khi được hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến năng suất nhưng hiệu quả lại không rõ rệt, chưa nổi bật. Vì vậy, cần phải tìm câu trả lời.

Theo tôi, sự chuẩn bị của doanh nghiệp để tiếp cận sự hỗ trợ chưa đầy đủ:

- Thời gian triển khai ngắn mà hiệu quả (thường có đặc tính trễ) đòi hỏi sau một thời gian triển khai đủ dài;

- Điểm, phạm vi áp dụng thường nhỏ, trong khi đó doanh nghiệp đủ lớn và nhiều quá trình so với khu vực áp dụng;

- Sự tham gia cố vấn của cán bộ doanh nghiệp còn hạn chế, bị động, chủ yếu dựa vào tư vấn, trong khi tư vấn lại có số lượng doanh nghiệp cần triển khai lớn;

- Báo cáo tổng kết của từng doanh nghiệp thường thiếu kết quả mang tính định lượng;

- Còn không hoặc chưa đánh giá hiệu quả thực sự của các dự án triển khai thông qua sự duy trì kết quả triển khai và nhân rộng kết quả và chưa có thông tin sau dự án;

Việc có cần sự cam kết của doanh nghiệp để bảo đảm khi được hỗ trợ thì phải tăng năng suất hay không thì theo tôi là không cần/không nên.

Bởi không vì cam kết mà tăng được năng suất mà cần quan tâm đến những nội dung tôi đã đề cập ở trên để khắc phục. 

Nó sẽ trở thành rào cản của doanh nghiệp khi tham gia mà mất tính hỗ trợ tự nhiên, chỉ cần có hoạt động, hợp đồng thể hiện rõ ràng nội dung tiến độ, sự phối hợp, hỗ trợ của doanh nghiệp về các nguồn lực để triển khai. 

Cần đổi mới cách triển khai nhiệm vụ nhân rộng mô hình điểm để bảo đảm được hiệu quả cũng như số lượng và khối lượng doanh nghiệp được hỗ trợ.

Thúy Hằng - [email protected]
Xin chuyên gia cho biêt sự khác nhau giữa Kaizen và đổi mới. Duy trì và cải tiến liên tục có sự liên kết nào với đổi mới hay không khi Kaizen là một quá trình liên tục còn đổi mới thường là hiện tượng tức thời?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Kaizen là sự cải tiến liên tục tạo ra được văn hóa, ý thức liên tục cải tiến của những người làm việc trực tiếp trong DN. Kaizen mang ý nghĩa cải tiến nhỏ, cải tiến hàng ngày và cải tiến dần từng bước. Còn đổi mới, nó đòi hỏi những thay đổi toàn diện, thay đổi lớn, có thể về công nghệ, sản phẩm hoặc quá trình. Đổi mới đòi hỏi phải đầu tư về tài chính và nguồn lực, thường không có tác dụng ngay mà cần quá trình lâu dài, trong khi Kaizen không đòi hỏi đầu tư lớn nhưng có tác dụng ngay. Kaizen có thể áp dụng thường xuyên cho DN nhưng đến thời điểm thích hợp, DN cần nghĩ tới vấn đề đổi mới. Thực hiện Kaizen có thể giúp cho DN có văn hóa sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi và nó sẽ thuận lợi hơn cho DN khi DN thực hiện các đổi mới. 

Nguyễn Minh Tùng - [email protected]
Doanh nghiệp tôi ở Hải Phòng, tôi cũng có một số sản phẩm tự nghiên cứu. Vậy đơn vị của tôi có thể trở thành doanh nghiệp KHCN hay không?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

DN có sản phẩm tự đầu tư nghiên cứu cũng có thể trở thành DN KHCN. Theo quy định mới được ban hành, Thông tư 02/2015/TT-BKHCN, DN có thể đề nghị Sở KHCN thành lập hội đồng đánh giá công nhận kết quả nghiên cứu và sản phẩm mới được tạo ra trên cơ sở kết quả nghiên cứu để công nhận là DN KHCN.

Minh Minh - [email protected]
Để giúp doanh nghiệp nâng cao được năng suất, chất lượng, xin chuyên gia tư vấn một số công cụ cải tiến và mô hình đã áp dụng thành công để các đơn vị khác có thể học tập?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Hiện tại Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã hỗ trợ nhiều DN Việt Nam áp dụng các công cụ và mô hình cải tiến thành công. Các DN có thể tham gia các diễn đàn và hội thảo trong khuôn khổ chương trình để có thông tin cụ thể về các mô hình thành công, các DN điển hình trong áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. 

Lưu Đình Anh - [email protected]
Theo thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực nhiều lần. Theo ông là vì sao và đâu là giải pháp?
PGS -TS Phạm Hồng - UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội

Câu hỏi này đáng lẽ dành cho các nhà kinh tế hoặc các nhà quản lý ngành. Với góc độ một cán bộ khoa học công nghệ, tôi cũng có cách trả lời một cách đơn giản. 

Năng suất lao động thì phản ánh năng lực tạo ra của cải, ra sản phẩm hàng hóa được quyết định bởi nhiều nhân tố như trình độ công nghệ và sử dụng công nghệ, sự hoạt động của quá trình và quy mô sản xuất rồi sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và nhất là yếu tố trình độ thành thạo (kỹ năng) của người lao động. 

Chúng ta đã biết rằng năng suất lao động được tính trên cơ sở đầu ra/đầu vào. Đầu ra ở đây chính là GDP và đầu vào là số lượng lao động đang làm việc.

Ở nước ta, năng suất lao động được tính cho 3 khu vực là dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông - lâm nghiệp - thủy sản. 

Tại sao năng suất lao động nước ta thấp? Vấn đề này ai cũng biết. Ở đây chúng ta thấy đầu vào thì lớn mà đầu ra thì bé dẫn đến năng suất thấp. Đầu vào nhiều người làm, chi phí nhiều, lãng phí nhiều... Đầu ra thì ít, chậm, sản phẩm có giá trị gia tăng thấp.

Trong 3 khu vực kinh tế của Việt Nam thì dịch vụ có năng suất lao động cao hơn còn nông - lâm nghiệp - thủy sản thấp nhất. 

Các yếu tố tác động tới năng suất lao động là cường độ vốn và TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp). Các yếu tố tác động đến TFP là năng suất lao động nhưng quan trọng nhất là sử dụng hiệu quả lao động ngoài hiệu quả sử dụng vốn và đặc biệt là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Mai Việt Nam - [email protected]
Thời gian tới Cục PTTT và DN KHCN sẽ có những hoạt động nào để hỗ trợ DN khoa học và công nghệ để họ có điều kiện tốt hơn trong việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ứng dụng vào sản xuất kinh doanh?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CNTS Phạm Hồng Quất trả lời phỏng vấn của PV Chất lượng Việt Nam

Cục PTTT và DN KHCN đang được Bộ KHCN giao nhiệm vụ rà soát việc thực hiện các chính sách pháp luật hiện hành về thủ tục công nhận cũng như các ưu đãi, hỗ trợ dành cho DN KHCN, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định để Chính phủ ban hành trong năm 2016.

Trong đó, các biện pháp hỗ trợ đầu vào cho DN KHCN như nói trên và cải cách thủ tục công nhận DN KHCN sẽ được tập trung giải quyết trong bối cảnh đáp ứng các yêu cầu về hội nhập, về không phân biệt đối xử giữa DN trong nước và DN nước ngoài.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ để hỗ trợ nguồn cung và nguồn cầu công nghệ, tiêu thụ các sản phẩm mới của DN KHCN cũng sẽ được đề xuất đưa vào dư thảo Luật Chuyển giao công nghệ, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2016.

Như Ngọc - [email protected]
Một doanh nghiệp khác đã áp dụng thành công HTQL theo ISO rồi, vậy chúng tôi muốn áp dụng một HTQL giống hệt như vậy để rút ngắn thời gian và đỡ tốn nguồn lực có được không?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Công ty có thể tham khảo việc áp dụng hệ thống chất lượng của công ty khác nhưng cần tránh việc sao chép hệ thống của công ty khác vào công ty mình. Bởi vì chiến lược kinh doanh mỗi công ty khác nhau, mục tiêu phát triển, văn hóa hay nhân lực mỗi công ty cũng khác nhau, thậm chí quá trình sản xuất hoặc công nghệ có thể khác nhau nên việc lấy hệ thống quản lý công ty khác áp dụng cho công ty mình là không phù hợp. Để hệ thống được vận hành hiệu quả, công ty nên tự xây dựng hệ thống riêng của mình trên nền tảng thực trạng của công ty. 

Hoàng Chiến Thắng - [email protected]
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp KH&CN sau khi thành lập và hoạt động đã không phát huy được lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới cùng các chính sách ưu đãi, do vậy không đáp ứng các điều kiện doanh thu theo quy định và dẫn đến không dủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi, thậm chí hoạt động cầm chừng, loay hoay lúng túng trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển. Vì vậy, để phát triển doanh nghiệp KH&CN thì cần giải quyết những vấn đề gì?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

Ưu đãi dành cho DN KHCN về thuế thu nhập DN là một trong các chính sách hỗ trợ DN tiếp thu đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nhiều DN KHCN chưa thấy rằng chính sách này thực sự hấp dẫn đối với họ. Lý do là vì DN cần có doanh thu, lợi nhuận lớn thì quy định ưu đãi này mới có ý nghĩa. Vấn đề quan trọng hơn đối với đa số các DN KHCN giai đoạn đầu phát triển là sản phẩm của họ phải có được thị trường có khách hàng sử dụng, trong đó, Nhà nước luôn là khách hàng quan trọng đầu tiên đối với những sản phẩm mới đưa ra thị trường.

Các dự án đầu tư sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cần ứng dụng công nghệ được tạo ra trong nước có giá cả cạnh tranh, có chất lượng đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật và nhu cầu thực tiễn trong nước. Cần sớm có danh mục mua sắm công của Chính phủ dành cho các sản phẩm công nghệ trong nước đã bước đầu khẳng định được tính cạnh tranh của mình trên thị trường. Có như vậy, DN và người tiêu dùng mới tiếp tục đặt hàng và mua sản phẩm công nghệ của các DN KHCN. Từ đó, DN KHCN mới có thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận, tái đầu tư để nghiên cứu phát triển công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh của mình ngay tại thị trường trong nước.

Hà Thanh Hoa - [email protected]
Thực tế hiện nay cho thấy, doanh nghiệp KH&CN rất quan tâm đến công tác nghiên cứu phát triển KH&CN. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ đầu tư do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cũng như việc thiếu thông tin về nguồn vốn, thủ tục, quy trình vay vốn ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn. Xin ông cho biết phương hướng cũng như giải pháp để khắc phục vấn đề này?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

Các chương trình, quỹ đầu tư cho DN nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm, hoàn thiện và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm mới hiện nay đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các thủ tục tiêu chí điều kiện, đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình và quỹ đầu tư này còn chưa thống nhất và được coi là khá phức tạp đối với DN.

Để khắc phục vấn đề này, theo kinh nghiệm của nhiều nước, các cơ quan quản lý các chương trình quỹ đầu tư hỗ trợ cho DN cần công bố tập trung các thông tin tài liệu, tư vấn hướng dẫn hỗ trợ thực hiện hồ sơ thủ tục thống nhất trên một cổng thông tin điện tử. Thông tin về các điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ kinh phí cũng cần được công bố công khai minh bạch. Các phương tiện truyền thông cần truyền tải thông tin về tiến độ, kết quả, hiệu quả việc triển khai các chương trình hỗ trợ để có sự đánh giá công bằng khách quan từ phía DN.

Thu Trang - [email protected]
Có một thực tế là áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ở doanh nghiệp có sự “vênh” nhau giữa nhu cầu chiến lược và thực tiễn quản lý. Dù áp dụng, tuân thủ đúng theo tiêu chuẩn nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vậy chúng tôi phải làm gì để đáp ứng?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Sự vênh nhau giữa nhu cầu chiến lược và thực tiễn quản lý có nguyên nhân từ việc xây dựng hệ thống quản lý không gắn kết được với chiến lược của công ty. Xuất phát điểm đầu tiên của các hệ thống quản lý cần đi từ hoạch định chiến lược và mục tiêu chiến lược của công ty. Từ mục tiêu và định hướng như vậy, mới có thể xây dựng mục tiêu cụ thể và hướng phát triển phù hợp. Nhiều DN Việt Nam chưa xây dựng được tầm nhìn và các chiến lược rõ ràng nên cũng cản trở việc vận hành các hệ thống quản lý.

Hiện nay việc xây dựng được chiến lược phù hợp với môi trường kinh doanh rất quan trọng, đặc biệt là trong sự biến động liên tục của môi trường kinh doanh. Nếu chỉ dừng ở việc tuân thủ hệ thống quản lý theo quy chuẩn mà không có được chiến lược kinh doanh hiệu quả với môi trường kinh doanh thì doanh nghiệp cũng không thể hoạt động hiệu quả được.

Đối với trường hợp công ty của anh/chị, cần phải làm tốt khâu chiến lược trước. Hiện tại có một số công cụ hỗ trợ phát triển chiến lược như: mô hình bảng điểm cân bằng (BSC) hay mô hình KPI, công ty có thể nghiên cứu và áp dụng. 

Trương Ngọc Hoa - [email protected]
Theo ông trong giai đoạn tới doanh nghiệp cần phải làm gì để việc cải tiến hệ thống quản lý chất lượng mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp?
PGS -TS Phạm Hồng - UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội

Như chúng ta biết, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 được nhiều doanh nghiệp quan tâm, triển khai áp dụng nhiều nhất trong các hệ thống quản lý, phương thức quản lý, công cụ cải tiến vì đây là hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến quốc tế và đã được triển khai áp dụng ở Việt Nam trong 20 năm qua. Có thể thấy nhiều công ty, tổ chức sau khi áp dụng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp áp dụng vì mục đích chứng chỉ hoặc hạn chế trong duy trì và khai thác hiệu quả. Đôi khi có doanh nghiệp áp dụng còn là gánh nặng cho người thực hiện. Tại sao lại như vậy? Có thể kể ra một vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng, duy trì và khai thác hiệu quả:

- Hệ thống xây dựng không phù hợp với quy mô và hoạt động của doanh nghiệp, có nhiều văn bản, nội dung không thiết thực, không cần thiết đối với doanh nghiệp. 

- Hệ thống hoạt động một cách hình thức không thu được hiệu quả mong đợi vì thiếu kiểm soát đầy đủ mục tiêu, quy trình, tách hệ thống quản lý chất lượng ra khỏi hoạt động chung của doanh nghiệp, các biểu mẫu ghi chép, thống kê qua loa hoặc đánh giá nội bộ, khắc phục lỗi còn hình thức.

- Không cải tiến được hệ thống để bảo đảm hiệu quả và nâng cao hiệu quả của hệ thống. Cụ thể, không có các biện pháp để bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống, không sử dụng, áp dụng các công cụ hỗ trợ cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. 

Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 khi áp dụng tốt có nhiều lợi ích mong đợi. Đó là đòi hỏi khách quan của quá trình hội nhập, vượt qua rào cản kỹ thuật trong thương mại và hội nhập sâu rộng trên toàn cầu. Nó mang lại những lợi ích nội bộ cũng như lợi ích bên ngoài doanh nghiệp.

Nếu so sánh với những đòi hỏi, mong đợi khi áp dụng, hạn chế nhất trong những hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý chất lượng này của doanh nghiệp Việt Nam là:

- Vấn đề tăng cường năng lực quản lý, cách thức quản lý qua áp dụng hệ thống.

- Cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng.

Để khắc phục những hạn chế trên, cần tập trung:

- Cần có nhận thức, lợi ích lâu dài của hệ thống quản lý chất lượng và tăng cường hiệu lực của bộ máy quản lý, nâng cao khả năng công nghệ, kỹ năng của cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp.

- Quan tâm, cải tiến liên tục hệ thống để hệ thống quản lý chất lượng là chính của công ty, và cải tiến thông qua KAIZEN, 5S, vòng tròn cải tiến PDCA, 7 công cụ thống kê cơ bản...

- Lồng ghép, tích hợp hệ thống quản lý với việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý quan hệ khách hàng CRM, chỉ số hài lòng của khách hàng (vì ISO 9000 lấy định hướng quản lý là khách hàng và quản lý, thỏa mãn khách hàng).

Đặc biệt, yếu tố quyết định là vai trò của lãnh đạo, cam kết triển khai áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ở doanh nghiệp mình.

Thái Hà - [email protected]
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về số lượng các doanh nghiệp KHCN có phân bố không đồng đều, các doanh nghiệp làm ăn tốt chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giống nông nghiệp, chế biến dược liệu. Trong khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử phần mềm, công nghệ sinh học và một số lĩnh vực công nghệ cao khác hầu như chưa đăng ký hoặc chưa được công nhận?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

Nhiều DN tiềm năng trở thành DN KHCN trong các lĩnh vực như: tin học, vật liệu mới, môi trường, sinh học... chưa quan tâm đến đăng ký để công nhận là DN KHCN. Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, nhiều DN khởi nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, ứng dụng, kinh doanh thương mại điện tử có sức tăng trưởng rất nhanh về giá trị DN do tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới, mô hình kinh doanh hiện đại và gắn kết với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những DN này cũng chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký DN KHCN. Có thể thấy rằng, những ưu đãi dành cho DN KHCN cũng như vấn đề thủ tục công nhận và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình áp dụng chính sách ưu đãi cho các DN này cần phải được đánh giá và cải tiến. 

Phương Anh - [email protected]
Trong kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn II (2016-2020) của Chương trình Năng suất chất lượng sẽ có bao nhiều DN được hỗ trợ?
Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Theo kế hoạch, có khoảng 60.000 doanh nghiệp sẽ được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng và 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng.

Ngoài ra tiếp tục xây dựng các mô hình điểm, điển hình về cải tiến năng suất chất lượng tại một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế chủ lực; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và thực hiện các dự án cải tiến NSCL thích hợp.

Thu Thảo - [email protected]
Giữa Lean và thực hành tốt 5S có mối quan hệ như thế nào, doanh nghiệp tôi đồng thời áp dụng 2 công cụ này cùng lúc có được không?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

5S là một trong những nền tảng cơ bản giúp cho việc áp dụng Lean một cách hiệu quả. Thực chất trong Lean cũng đề cập tới việc cần thiết phải áp dụng 5S. Ví dụ trong mục tiêu giảm lãng phí về thao tác không cần thiết (như là công nhân đi lại, vận chuyển, lấy, với đồ vật) thì việc áp dụng 5S sẽ hỗ trợ tích cực cho việc giảm những thao tác không cần thiết này. 5S hướng vào việc sàng lọc và sắp xếp có khoa học những vật dụng, dụng cụ, hồ sơ và phương tiện làm việc. Thông qua đó, giảm thiểu được những lãng phí về thao tác và đi lại làm việc của công nhân. DN có thể áp dụng đồng thời 2 công cụ Lean và 5S, tuy nhiên, để tạo cho việc áp dụng Lean một cách hiệu quả thì 5S nên được áp dụng trước, để tạo được những nền tảng đầu tiên về văn hóa cải tiến năng suất trong DN và tạo được ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động.

Thu Hoài - [email protected]
KHCN được xem là công cụ chiến lược để phát triển doanh nghiệp một cách nhanh chóng và bền vững, tạo ra những sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường. Vậy theo ông trong giai đoạn hội nhập hiện nay công cụ này đã phát huy vai trò của mình hay chưa?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

Trong giai đoạn hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới hiện nay, một số DN KHCN trong các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế như nông nghiệp, dược phẩm, đặc biệt là dược phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vắc xin phòng bệnh... đã tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Các DN này đã thực sự sử dụng KHCN là công cụ chiến lược để phát triển nhanh và bền vững. Những mô hình kinh doanh, đầu tư chiều sâu cho KHCN như vậy cần được nhân rộng trong giai đoạn hội nhập sắp tới để có thể giữ được thị trường trong nước và mở rộng thị trường sang các nước khác.

Thanh Yến - [email protected]
Theo đánh giá của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, sau 5 năm triển khai Chương trình Năng suất chất lượng, nhận thức về các hoạt động cải tiến năng suất chất lượng ở doanh nghiệp đã chuyển biến như thế nào?
Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Thông qua các hoạt động của Chương trình, nhận thức của các cấp các ngành, các địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp về năng suất, chất lượng, hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt. Năng suất, cải tiến năng suất được xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, Chương trình đã hình thành, thúc đẩy được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước, thông qua đó huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hoá chủ lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước;

Ngoài ra, Chương trình đã có những tác động ban đầu, tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nhận thức được đầy đủ hơn tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình. Chương trình đã tạo được sự gắn kết hơn giữa khoa học và sản xuất, đời sống.

Bảo Minh - [email protected]
Công cụ cải tiến Lean thường được ứng dụng chủ yếu ở các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình nào? Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có áp dụng được không?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Lean được bắt nguồn từ mô hình sản xuất của Toyota nhưng sau đó đã được phát triển thành mô hình quản lý có thể áp dụng chung cho các loại hình sản xuất khác nhau, bao gồm cả các lĩnh vực sản xuất dịch vụ. Cũng tương tự như ISO:9001, trong Lean đưa ra những nguyên tắc về quản lý và hướng dẫn các công cụ cụ thể, giảm thiểu các lãng phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Vì vậy, DN trong lĩnh vực du lịch cũng có thể áp dụng Lean. Hiện tại cũng có những nghiên cứu riêng về áp dụng hệ thống Lean trong dịch vụ nên các DN dịch vụ cũng có thể tham khảo áp dụng. 

Minh Cường - [email protected]
Việc ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Theo ông, thị trường KHCN đã gắn với nhu cầu này của DN hay chưa?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

TS Phạm Hồng QuấtTS Phạm Hồng Quất nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi

Thị trường công nghệ trong nước hiện nay ở giai đoạn mới hình thành và vẫn còn đang trong trạng thái tiếp cận nguồn cung công nghệ nhiều hơn. Theo xu hướng của nền kinh tế thị trường cần phải thay đổi cách tiếp cận, quan tâm trước tiên đến nhu cầu của DN.

Thông thường, DN cần xác định được vấn đề cần giải quyết trong quy trình sản xuất, nhu cầu phát triển sản phẩm dịch vụ mới trước khi tìm kiếm công nghệ phù hợp đề giải quyết vấn đề của mình.

Do vậy, các tổ chức hỗ trợ DN cần bám sát thực trạng năng lực và nhu cầu đổi mới công nghệ, tăng NSCL sản phẩm cụ thể của DN để tìm kiếm và tư vấn cho DN mua, nhập khẩu và ứng dụng công nghệ thiết bị dây chuyền sản xuất và quy trình quản lý phù hợp.

Hoàng Anh - [email protected]
Công cụ nào được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm liên tục loại bỏ các lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua tăng năng suất, giảm chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất/cung cấp dịch vụ?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean) là công cụ hữu ích nhằm loại bỏ lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong hệ thống này ứng dụng nhiều công cụ khác nhau, tập trung vào loại bỏ 8 loại lãng phí chính: lãng phí do thời gian chờ đợi hoặc trì hoãn, lãng phí do sản xuất lỗi, lãng phí về vận chuyển hay di chuyển, lãng phí do tồn kho, lãng phí sản xuất thừa, lãng phí gia công thừa, lãng phí do các cử động thừa và lãng phí tài năng. Mục đích của Lean là nhằm loại bỏ 8 loại lãng phí này, tập trung vào các quá trình tạo giá trị gia tăng. Khi đã giảm thiểu được những công đoạn không tạo giá trị gia tăng thì sẽ giúp quá trình sản xuất nhanh hơn, rút ngắn thời gian sản xuất và cung cấp dịch vụ. 

Quỳnh Trang - [email protected]
Ông nhận định như thế nào sức cạnh tranh hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam sau khi áp dụng các hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến để nâng cao năng suất?
Ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Năng suất và chất lượng quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vào thời điểm hiện tại rất có ý nghĩa vì Việt Nam đã trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này và đã có sự chuẩn bị tốt cho sân chơi hội nhập.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp mong muốn nâng cao năng suất chất lượng, bên cạnh việc có chiến lược, định hướng tốt, đầu tư, áp dụng các công nghệ tiên tiến thì nhất định phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến để làm ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, giảm giá thành để sản phẩm hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định rằng, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đã và đang có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng để đáp ứng được tình hình hiện nay thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự đổi mới hơn nữa, xây dựng thương hiệu, áp dụng các biện pháp nâng cao NSCL có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thông qua chất lượng, giá cả và tính đổi mới sáng tạo cao hơn nữa.

Tuy nhiên, với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các phương thức quản lý tiên tiến cùng với đội ngũ nhân lực có kỹ năng và chất lượng là những điểm tựa quan trọng để các doanh nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và từng bước có mặt trong các chuỗi cung ứng có sức cạnh tranh toàn cầu.

Nguyễn Trường Giang - [email protected]
Hoạt động “mua – bán” công nghệ hiện nay đã thực sự trở thành thị trường đúng nghĩa hay chưa? Doanh nghiệp tôi muốn tiếp cận các công nghệ mới thì có thể tìm hiểu thông tin ở đâu?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

Hoạt động mua - bán công nghệ hiện nay có thể coi là đã ở bước đầu tiên trong quá trình hình thành thị trường công nghệ trong nước. Cùng với cơ chế tự chủ của các tổ chức KHCN và nhu cầu tăng NSCL, cạnh tranh về hàng hóa dịch vụ của DN, nhiều công nghệ dây chuyền, thiết bị được tạo ra trong nước cũng như được chuyển giao từ nước ngoài đã được các DN, cơ sở sản xuất mua bán theo cơ chế thị trường. Nhiều DN KHCN trong nước đã tự mình đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã cung cấp được cho nhiều cơ sở sản xuất trong nước.

Một số công nghệ trong nước trong lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, nước thải có giá cả rất cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và năng lực vận hành của các DN trong nước. Nếu những công nghệ này được các Bộ ngành, địa phương đưa vào ứng dụng rộng rãi sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất, xử lý môi trường và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hoạt động mua - bán công nghệ thông qua các tổ chức trung gian chuyên nghiệp còn hạn chế. Chủ yếu các DN tự tìm kiếm nguồn thông tin và đàm phán mua - bán công nghệ thông qua các đối tác đầu tư, khách hàng, hội chợ triển lãm. Vai trò môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá công nghệ, đàm phán ký kết hợp đồng, cũng như hỗ trợ các bên xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng của các sàn giao dịch công nghệ, tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ cần phải rất quan tâm. 

Thông tin về công nghệ mới hiện nay có rất nhiều trên các trang tin điện tử của các tổ chức KHCN, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức xuất nhập khẩu công nghệ, sàn giao dịch công nghệ điện tử của các địa phương và của các DN KHCN. Một số công nghệ có khả năng ứng dụng trong điều kiện của Việt Nam được chọn lọc và giới thiệu tại các hội chợ triển lãm về công nghệ và thiết bị, hội nghị kết nối cung cầu công nghệ tại các vùng miền được Bộ KHCN, các bộ ngành địa phương tổ chức định kỳ hàng năm. 

Lệ Thủy - [email protected]
Áp lực cạnh tranh và các thách thức trong vận hành đã và đang thúc đẩy doanh nghiệp tôi tìm kiếm cho mình những giải pháp cải tiến mọi phương diện hoạt động. Xin chuyên gia tư vấn?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Chuyên gia Năng suất chất lượng

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa (bên trái) - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam đang trả lời các câu hỏi bạn đọc gửi về trong chương trình Giao lưu trực tuyến

Trong điều kiện áp lực cạnh tranh hiện nay buộc các DN Việt Nam phải tìm các giải pháp cải tiến năng suất và hiệu quả sản xuất. Để cải tiến năng suất, cần tập trung vào 4 trụ cột cơ bản: cải tiến công nghệ và sản phẩm; cải tiến quá trình sản xuất; định hướng khách hàng; giảm lãng phí. Các cải tiến này dựa trên 2 nền tảng cơ bản là phát triển nguồn nhân lực trong tổ chức và xây dựng văn hóa DN khuyến khích cải tiến. Để có phương thức cải tiến hiệu quả, DN cần nhận biết được thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu của DN mình, so mình với những đối thủ cạnh tranh khác và mức độ DN có khả năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường và khách hàng. Từ đó, xây dựng được các giải pháp cải tiến phù hợp và lựa chọn được các công cụ áp dụng phù hợp với DN mình.

Ví dụ nếu DN mình yếu kém về mặt công nghệ, cần có sự đầu tư, cải tiến, thay đổi về công nghệ hoặc thiết bị vì công nghệ lạc hậu sẽ không đảm bảo được DN có khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Hoặc nếu DN có quá trình sản xuất chưa hiệu quả thì có thể lựa chọn áp dụng các công cụ hệ thống quản lý tiên tiến vào DN,....

Thảo Trang - [email protected]
Thưa ông cục trưởng Phạm Hồng Quất, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của KHCN đối với gia tăng năng suất và phát triển khinh tế xã hội?
TS Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ KH&CN

KHCN là yếu tố then chốt tăng năng suất sản xuất kinh doanh của DN cũng như hiệu quả sx kinh doanh cũng như giá trị gia tăng kinh tế xã hội. KHCN không chỉ dược hiểu là các kỹ thuật công nghệ mới mà còn là những mô hình kinh doan mới, tri thức mới, tư duy mới, cách thức tổ chức quản lý quy trình tổ chức sản xuất; khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả hơn; sử dụng nguồn nhân lực và các lợi thế cạnh tranh của DN ngành và địa phương để tạo ra lợi nhuận, lợi ích kinh tế cao hơn. 

Trần Minh Anh - [email protected]
Thưa PGS Phạm Hồng, ông có ý kiến thế nào về xu hướng đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
PGS -TS Phạm Hồng - UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội

PGS. TS Phạm Hồng

Nói về đầu tư, đổi mới công nghệ cần diễn giải mang tính học thuật và bài bản. Tuy nhiên, trong phạm vi buổi giao lưu trực tuyến này tôi xin trả lời ngắn gọn như sau:

Vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp là rất quan trọng nhưng thực tế cho thấy, việc đầu tư đổi mới ở các doanh nghiệp hiện nay diễn ra vẫn còn chậm chạp không theo kịp yêu cầu và nếu có thì cũng để giải quyết những mục tiêu trước mắt hoặc tình huống mà doanh nghiệp gặp phải. Ví dụ: doanh nghiệp muốn đưa ra sản phẩm mới, tăng mức độ cơ khí hóa, tự động hóa, muốn có kết nối máy tính, tăng sản lượng, tăng năng suất và giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm, giảm mức tiêu hao nhiên liệu hoặc năng lượng để giảm giá thành, giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm của doanh nghiệp...

Việc đầu tư đổi mới công nghệ cần phải căn cứ vào chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp cần có lộ trình công nghệ để đầu tư đổi mới phù hợp mục tiêu phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Được coi là 1 công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững về năng suất và chất lượng, Lean Manufacturing được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Xin cho biết hiệu quả cụ thể mà công cụ này đem lại là gì?
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Trưởng phòng Phát triển mô hình hoàn hảo - Viện Năng suất Việt Nam

Hệ thống Lean Manufacturing là hệ thống sản xuất tinh gọn, được nhiều doanh nghiệp biết đến. Tác dụng chính của hệ thống này là tinh gọn quá trình sản xuất, giảm thiểu lãnh phí trong quá trình sản xuất để đảm bảo tạo ra được giá trị gia tăng (GTGT) tốt nhất và loại bỏ các quá trình, công đoạn không tạo ra GTGT. Bằng việc giảm các chi phí và công đoạn không tạo ra GTGT như vậy, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng suất và hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

thương hiệu doanh nghiệp

Về đầu trang