Năng suất chất lượng, giải pháp vực đất nước trỗi dậy hùng cường

authorViết Cường 01:22 01/09/2015

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Minh Khương, đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore về mục tiêu Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Ngày 15/9, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ hai (2006-2015) và tổng kết giai đoạn một (2010-2015) Chương trình quốc gia năng suất chất lượng (gọi tắt là Chương trình 712).

Bên lề hội nghị, PGS.TS Vũ Minh Khương, đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore đã có cuộc trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến chương trình nâng cao NSCL.

*Thưa ông, vừa rồi tại hội nghị ông nhấn mạnh nhiều đến cảm xúc, sự lôi cuốn của các doanh nghiệp khi tham gia chương trình Nâng cao NSCL. Vậy theo ông, chương trình Quốc gia nâng cao NSCL cần phải làm gì để tạo sự cuốn hút cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tham gia sâu rộng?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Để đất nước trỗi dậy thì các yếu tố căn bản là vấn đề xúc cảm, vấn đề khai sáng và phối hợp với nhau. Chương trình nâng cao NSCL của Việt Nam đã đặt ra vấn đề rất đúng, nhưng để khơi dậy được sự cuốn hút cho các đơn vị, doanh nghiệp thì cần phải có sự nỗ lực, bàn bạc rất kỹ giữa nhà làm chính sách và doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Minh Khương, đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore

Trước đó tại hội nghị, PGS.TS Vũ Minh Khương đã có bài phát biểu dài, đánh giá rất chi tiết về chương trình Nâng cao NSCL của Việt Nam. Ảnh Viết Cường

Việc này cần có sự tham gia của các chiến lược gia trên cơ sở đặt mục tiêu. Tôi rất coi trọng xúc cảm của dân tộc Việt Nam là trong vòng 3 thập kỷ tới, kỷ niệm 100 năm độc lập thì nước ta phải gia nhập được OECD (tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và trở thành cường quốc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

*Ông đánh giá như thế nào về cách triển khai chương trình Nâng cao NSCL tại các cơ quan liên quan và doanh nghiệp của Việt Nam?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Tôi thấy Việt Nam mình vẫn làm ở phòng ban rồi đưa lên thông qua, kinh phí không phải là thiếu nhưng cách làm chưa sâu rộng đến toàn xã hội. Nó không phải là đầu vào từ các doanh nghiệp, họ khát khao như thế nào mình không nắm bắt được họ, vì họ sẽ là người triển khai thực hiện, Chính phủ chỉ hỗ trợ thôi.

Nếu chi phí hết 10 đồng thì Chính phủ chỉ nên chi ra 1 đồng để “mồi” cho họ cố gắng, hiện giờ ta phải khơi dậy cái đó. Còn nếu ta chỉ chăm chăm áp đặt họ phải làm thì không hiệu quả.

Tôi rất mừng vì mấy năm gần đây, Viện Năng suất đã có khát vọng lớn, có kế hoạch thu hút nguồn lực ở tất cả các nơi để chung sức tạo ra bước ngoặt lớn trong việc nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam.

*Ông có thể chia sẻ thêm ấn tượng của ông về cách làm để gắn kết chương trình NSCL với doanh nghiệp tại các nước?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Tôi rất thích mô hình của Hàn Quốc. Ví dụ họ tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài về giúp trong nước. Đầu tiên họ thông báo khắp nơi cần đến 500 người, lúc náy sẽ có 500 người nộp đơn, đây là việc làm nhiều thách thức vì giúp cho doanh nghiệp ở trong nước vươn ra đại dương, nắm được nguồn lực khoa học kỹ thuật của thế giới như thế nào, nghiên cứu phát triển ra sao.

Nhưng 500 người đó không phải cứ có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ,… là được chọn, họ sẽ phỏng vấn để lấy khoảng 60 người, sau đó tiếp tục lọc để lấy 18 người. Những người này thật sự là ngọn cờ tinh hoa để giúp cho đất nước. Họ không như của ta, ngay từ ban đầu đã lo phải đãi ngộ như thế nào mà không chắt lọc ra ai thực sự có thể đóng góp. Khi mà đã tập hợp được những con người tài giỏi, có chung mục đích thì công việc sẽ phát lên rất nhanh chóng.  

*Ông nói nhiều đến sự liên kết, vậy trong thời gian tới ông có sự liên kết nào với các cơ quan tổ chức chương trình nâng cao NSCL của Việt Nam?

PGS.TS Vũ Minh Khương: Các anh chị vẫn hay nói đùa, ở Viện Năng suất hiện có 35 người, thiếu tôi một người nữa thành 36. Tôi ở Singapore nhưng sẽ thường xuyên có sự giao tiếp, giúp đỡ, cố vấn lẫn nhau. Tôi cũng muốn học hỏi những vấn đề đang chuyển động ở Việt Nam cho nên đó là điều rất quý. Sự cộng hưởng tôi tin là sẽ có tác dụng rất lớn cho công việc này.

Tôi nghĩ rằng sự hiệp đồng giữa chúng tôi rất là hợp, anh em ở đây phải nói là rất tâm huyết, gắn bó với doanh nghiệp, nói gì cũng biết chứ không phải người quan liêu. Cái quan trọng nhất là chúng tôi đều mong muốn chung sức cho sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang