Những khó khăn doanh nghiệp thường gặp khi áp dụng Seiri trong 5S

authorHòa Lê 12:28 28/08/2016

(VietQ.vn) - Seiri – Sàng lọc (S1) là 1 trong 5 yếu tố cấu thành lên phương pháp 5S giúp nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Khái niệm 5S (5S methodology) bắt nguồn từ Nhật Bản vào đầu những năm 1980 thế kỷ XX. Theo định nghĩa 5S là Seiri (Sàng lọc những thứ không cần thiết tại nơi làm việc và bỏ đi), Seiton (Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy), Seiso (Sạch sẽ vệ sinh thiết bị, dụng cụ và nơi làm việc), Seiketsu (Săn sóc nơi làm việc bằng cách luôn thực hiện 3S trên) và Shitsuke (Sẵn sàng giáo dục rèn luyện để mọi người thực hiện 4S trên một cách tự giác).

Xuất phát từ triết lý con người là trung tâm của mọi sự phát triển, phương pháp 5S đã được áp dụng tại Nhật Bản như một nền tảng để áp dụng thành công hệ thống quản lý, nâng cao năng suất chất lượng. 5S tạo ra một môi trường sạch sẽ, tiện lợi và giúp cho tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đem lại niềm tin cho khách hàng.

Nâng cao năng suất chất lượng: Khó khăn khi áp dụng Seiri

 Năng suất chất lượng của doanh nghiệp sẽ được cải tiến, nâng cao nhờ phương pháp 5S

Seiri – Sàng lọc (S1) là 1 trong 5 yếu tố cấu thành nên phương pháp 5S. Đây cũng là hoạt động quan trọng cần làm đầu tiên khi áp dụng 5S trong doanh nghiệp. Seiri, được hiểu đơn giản là sàng lọc những gì không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng.

Nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng Seiri các tổ chức, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đầu tiên đó là vấn đề “tiếc rẻ” trong việc loại bỏ, giảm thiểu những thứ không cần thiết. Các tổ chức, doanh nghiệp cần nhớ: “Không bao giờ giữ những thứ không cần thiết tại nơi làm việc!”. Nếu doanh nghiệp không quyết định được đồ vật cần thiết hay không thì hãy dùng “Thẻ thông báo hủy bỏ” hoặc “Thẻ đỏ” để đánh dấu.

Một số trường hợp, khi áp dụng Seiri tổ chức, doanh nghiệp “lãng phí quá” tức là loại bỏ tất cả những gì không dùng đến ở thời điểm đó. Tuy nhiên không sử dụng ở thời điểm đó nhưng có thể thời điểm khác sẽ sử dụng đến.

Nâng cao năng suất chất lượng: Khó khăn khi áp dụng Seiri

S1 giúp người làm việc không bị cản trở bởi những vật “thừa thãi” 

Bởi thế doanh nghiệp cần xác nhận, kiểm tra lại những thứ đã được dán “Thẻ” và xác định thời gian hủy bỏ chúng. Ví dụ sau 3 tháng có thể kiểm tra lại xem có ai cần đến nó không; nếu sau 3 tháng không thấy ai cần đến, tức là cái đó không còn giá trị sử dụng trong hoạt động của doanh nghiệp, đáng để loại bỏ.

Chú ý khi thực hiện S1, không được quên những gì để trong ngăn tủ, hãy tìm mọi nơi, mọi ngóch ngách. Và sẽ là một phần thưởng nếu trong quá trình đó có thể tìm lại một vài vật có ích mà lâu nay không nhớ để đâu. Khi hủy những thứ thuộc tài sản của tổ chức, doanh nghiệp người thực hiện nên báo cáo cho người có thẩm quyền biết. Người thực hiện nhiệm vụ này, cũng cần thông báo những nơi đã cung cấp những nguyên vật liệu, tài liệu thừa đó.

Hòa Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang