Năng suất lao động: Đổi mới thể chế tầm vĩ mô phải gắn với quản trị doanh nghiệp

author 04:45 22/03/2015

(VietQ.vn) - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, để nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) sự đổi mới thể chế ở tầm vĩ mô rất quan trọng, nhưng chưa đủ, mà phải đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Hàng loạt báo cáo về NSCĐ Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đưa ra mới đây. Trong các báo cáo đó nổi bật lên vấn đề NSLĐ Việt Nam đạt thấp, thậm chỉ chỉ ngang bằng với Lào, Campuchia và thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Malaysia...

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%. Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan xem xét đánh giá trên có đúng không. Nhưng rõ ràng đây là 1 trong 3 yếu tố liên quan đến NSLĐ rất đáng báo động.

Năng suất lao động: Đổi mới thể chế tầm vĩ mô phải gắn với quản trị doanh nghiệp

Năng suất lao động: Đổi mới thể chế tầm vĩ mô phải gắn với quản trị doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trong phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây cho biết, NSLĐ của người Việt Nam rất thấp so với thế giới và ngay cả khu vực. Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN

Trong 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là NSLĐ còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cái yếu của người lao động Việt Nam là kỹ năng nhận thức và hành vi. Thiếu khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng, bên cạnh đức tính cần cù, chịu khó… lao động Việt Nam còn nhiều điểm yếu như thiếu kiến thức để hội nhập, tính hợp tác rất kém, khả năng tích lũy kinh nghiệm cũng thấp.

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cho rằng, để nâng cao NSLĐ, sự đổi mới thể chế ở tầm vĩ mô rất quan trọng, nhưng chưa đủ, mà phải đổi mới quản trị doanh nghiệp. Nếu không triệt để tuân thủ quy luật “làm theo năng lực, hưởng theo đóng góp”, đưa câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” vào cuộc sống, thì không thể khuyến khích mọi người làm việc có năng suất cao hơn… Năng suất, hiệu quả lao động phải được lấy làm thước đo chủ yếu.

Khắc phục thực tế nói trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao. Tiếp đó, khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho khoa học - công nghệ thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Cuối cùng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nhân viên văn phòng đến lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang