Năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam 'hụt hơi' so với nhiều nước

author 08:43 28/04/2019

(VietQ.vn) - Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines, 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan...

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năng suất ngành công nghiệp chế biến chế tạo bằng 1/4 Malaysia

Theo báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam” vừa được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) công bố, xếp hạng chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam cải thiện từ vị trí gần 100 vào năm 1990 lên thứ 40 vào năm 2015.

Mặc dù, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự cải thiện rõ nét về năng suất và khả năng cạnh tranh trong những năm gần đây, song khoảng cách với các nước so sánh vẫn còn lớn.

Trong một số chỉ tiêu như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu và RCA Việt Nam vượt trội hơn so với Ấn Độ và Bangladesh, còn trong chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Báo cáo cũng cho thấy, năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines, 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.

Tuy nhiên, năng suất và khả năng cạnh tranh của các tiểu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có sự khác nhau đáng kể. Trong đó, khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước có khoảng cách lớn ở các tiểu ngành như: May, da giày và các sản phẩm hoá chất, trong khi các tiểu ngành điện tử, phương tiện giao thông, đồ gỗ và kim loại cơ bản đã có sự rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác.

Năng suất ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Ảnh minh họa 

Lối đi nào cho ngành chế biến chế tạo?

Theo những khuyến nghị được nêu trong báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam”, Việt Nam cần đặt nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo là.

Bên cạnh đó, cần chuyển trọng tâm thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.

"Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo như một phần không thể thiếu trong các cải cách về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và chính sách thu hút và sử dụng FDI" - báo cáo nhấn mạnh. 

Trong đó, những nỗ lực cải cách DNNN phải tập trung vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu suất và gia tăng mối liên kết xuôi – ngược của DNNN này với các doanh nghiệp khác trong nước. Đồng thời, cần đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN trong các ngành/tiểu ngành, nơi các doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể sẵn sàng đảm nhận vai trò “dẫn dắt” từ các DNNN, và gắn việc cổ phần hóa với xây dựng năng lực của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Ngoài ra, báo cáo còn nhấn mạnh đến việc đầu tư công nên hướng tập trung vào khuyến khích đầu tư khu vực tư nhân trong nước. Đầu tư công có thể giúp tạo ra nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước, từ đó khuyến khích đầu tư tư nhân vào mở rộng kinh doanh. Đầu tư công cũng có thể mang lại cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước cơ hội xây dựng năng lực, bao gồm vừa học vừa làm và tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư công từ các dự án  ODA.

Liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chuyển dịch cơ cấu ngành, mức đầu tư về công nghệ của doanh nghiệp và sự tham gia của các doanh nghiệp mới.

Do đó, khi năng suất lao động của Việt Nam thấp thì phải rà soát lại những nguyên nhân để cải thiện tình trạng này. Trên thực tế, năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện là do chuyển dịch cơ cấu ngành còn việc phát triển về công nghệ và việc tham gia của doanh nghiệp mới vẫn còn thấp. Vì vậy, cần chú ý đặc biệt đến các yếu tố công nghệ, liên doanh liên kết và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao năng suất lao động.

Còn theo bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các "nút thắt cổ chai" kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành và có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VERP cũng cho biết, trong 25 năm qua, năng suất lao động của nền kinh tế chỉ tăng chưa tới 3 lần, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của các nước khác.

Tính chung giai đoạn 1994-2013, năng suất lao động tính theo sức mua tương đương năm 2005 (PPP 2005) của Việt Nam tăng trung bình 4,87%/năm. Bình quân năng suất lao động giai đoạn 2011-2017 tính theo giá so sánh năm 2010 tăng 4,7%/năm. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là cao hơn so với mức tăng bình quân của các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo giá trị tuyệt đối, con số này lại vô cùng khiêm tốn so với bè bạn. Bởi hiện tại, năng suất lao động Việt Nam bằng 7,2% Singapore, tương đương một người dân Việt làm 100 giờ chỉ bằng một lao động quốc đảo sư tử làm 7,2 giờ

Bảo Lâm

Đổi mới sáng tạo: Bệ phóng nâng cao năng suất, chất lượng cho nông nghiệp(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, hoạt động đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang