Năng suất lao động ở Việt Nam tăng hạng

author 06:27 16/05/2014

(VietQ.vn) - Từ thứ hạng 17, năng suất lao động ở Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên thứ 15 vào năm 2013 - số liệu so sánh với năng suất lao động Singapore.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năng suất lao động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề ở Việt Nam đang tăng hạng

Năng suất lao động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề ở Việt Nam đang tăng hạng. Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Con số này được cho là thành tích đáng kể của Việt Nam khi những năm trước đây liên tục đứng ở mức cao.

Cụ thể, Báo cáo Năng suất năm 2012 về tình hình năng suất của các quốc gia châu Á được tổ chức Tổ chức Năng suất Châu Á - APO công bố năm 2013 cho thấy, năm 2010, Singapore là quốc gia có năng suất lao động cao nhất, đạt 89,9 nghìn USD/người lao động (tính theo sức mua tương đương năm 2005), tiếp theo là Đài Loan đạt 73,2 nghìn USD và Nhật Bản đạt 63,9 nghìn USD. Năng suất lao động ở Việt Nam thấp hơn so với Singapore 17 lần.

Năng suất lao động của Việt Nam đạt 5,3 nghìn USD bằng 5,9% năng suất lao động của Singapore. Về mức tăng năng suất lao động hàng năm thì Trung Quốc là quốc gia đạt cao nhất, trung bình 8,8% hàng năm trong giai đoạn 1990-2010.

Tuy nhiên chỉ tính trong giai đoạn 2000-2010 thì Myanmar có mức tăng trưởng năng suất hàng năm đạt 9,9%/năm, cao nhất trong số các quốc gia so sánh. Việt Nam có mức tăng năng suất hàng năm là 5% giai đoạn 1990-2010 và 4,5% trong giai đoạn 2000-2010. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam nằm ở top trên trong số các quốc gia được so sánh. Số liệu này phù hợp với thành tích về tăng trưởng GPD của nước ta trong những năm qua.

Về số liệu năng suất yếu tố tổng hợp – TFP (chỉ số phản ánh hiệu quả của việc sử dụng Vốn và Lao động để gia tăng kết quả đầu ra bằng các giải pháp quản lý, khoa học – kỹ thuật) cho thấy trong giai đoạn 2005-2010, mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia ở mức trên 40%, như Hàn Quốc đạt 63%, Đài Loan: 59%, Ấn Độ: 48%, Indonesia: 42%, Philippines: 41%.

Điều này có nghĩa các quốc gia này đã làm tốt việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là Vốn và Lao động. Đóng góp của TFP vào tăng trường GDP của Việt Nam giai đoạn 2005-2010 là -6%.

Số liệu này phản ánh tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn này phụ thuộc chủ yếu vào Vốn và Lao động, trong đó gia tăng vốn nhưng không làm tăng thêm được đầu ra là GDP vì vậy đóng góp của TFP thành giá trị âm theo công thức: Y = A. f(Kα Lβ ), trong đó: Y= đầu ra (GDP), K= Vốn, L= Lao động, A=TFP; α= hệ sống đóng góp của vốn, β = hệ số đóng góp của lao động (β = 1 - α ).

Nhiều tập đoàn công nghệ, thiết bị hàng đầu thế giới đang tập trung đầu tư tại Việt Nam

Nhiều tập đoàn công nghệ, thiết bị hàng đầu thế giới đang tập trung đầu tư tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Báo cáo này được nhóm chuyên gia của APO, cùng đại diện Cơ quan Thống kê các nước nghiên cứu, xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007, sau đó được phát hành định kỳ hàng năm nhằm cung cấp số liệu về tình hình tăng trưởng năng suất của các nước.

Báo cáo của ILO mới đây cho thấy, so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần năm Thái Lan. Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm – mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.

Theo một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

Tại một cuộc hội thảo diễn ra tháng 8 năm ngoái do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức, báo cáo của Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai. Do đó, người lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong việc sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Hơn nữa, kỷ luật của lao động Việt Nam còn kém so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Các số liệu tại hội thảo này cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt khoảng 61,4% mức bình quân của các nước trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia, bằng 12% so với Singapore và 22% của Malaysia.

Theo ILO, kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc đang là mối lo ngại lớn trong toàn khu vực. Gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN được khảo sát đã cho biết người lao tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học vẫn còn thấp. Các kỹ năng cần nhất là quản lý và lãnh đạo, tiếp đó là chuyên môn và tay nghề, dịch vụ khách hàng.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang