Năng suất lao động Singapore gấp 18 lần Việt Nam

author 19:40 10/01/2015

(VietQ.vn) - Đó là con số được đưa ra tại buổi công bố các chỉ số kinh tế xã hội do Tổng cục Thống kê tổ chức. Trước đó, một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 6/2014 chỉ ra năng suất lao động Singapore gấp 15 lần Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chiều 27/12/2014, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố các chỉ số tình hình kinh tế xã hội năm 2014. Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội năm 2014 (tính bằng GDP bình quân 1 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc) đạt 74,3 triệu đồng (3.515 USD) mỗi lao động. Trong đó năng suất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28,9 triệu đồng (bằng 38,9% mức chung), công nghiệp và xây dựng là 133,4 triệu đồng, khu vực dịch vụ đạt 100,7 triệu đồng.

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2014 ước tính tăng 4,3% so với năm 2013. Trong đó năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,4%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%, dịch vụ tăng 4,4%.  Theo ông Nguyễn Bíc Lâm, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt tốc độ 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014.

Năng suất lao động tại Việt Nam còn rất kém so với những nước trong khu vực và cần được cải thiện đáng kể

Năng suất lao động tại Việt Nam còn rất kém so với những nước trong khu vực và cần được cải thiện đáng kể. Ảnh minh họa

Cơ quan thống kê nhận định, năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, bình quân đạt tốc độ 3,7% mỗi năm trong giai đoạn 2005 - 2014. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc.

Tổng cục Thống kê chỉ ra 4 nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động có chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp, trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo chiếm tới 88% tại thời điểm năm 2012. Ngoài ra, theo cơ quan thống kê, trình độ tổ chức quản lý còn yếu cùng với hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp.

Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ (hai khu vực quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia trong dài hạn) vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trước đó, vấn đề năng suất lao động của Việt Nam đã nhiều lần được đề cập đến trong năm qua sau khi một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 6.

Theo nghiên cứu của tổ chức này, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu), thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần, chỉ bằng 1/5 Malaysia và Thái Lan. 

Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.

Hồng Ngọc (Tổng hợp)

 

 
 
 
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang